Tổng quan về Chỉ số HHI và Phân tích từ Báo cáo Thường niên của Cục Quản lý Cạnh tranh (2021-2023)
1. Hiểu về HHI và Vai trò của nó trong Luật Cạnh tranh tại Việt Nam Chỉ số Herfindahl-Hirschman (HHI)
Legal update
Nhằm nỗ lực trong việc thực hiện hóa các nhiệm vụ theo Quy hoạch Phát triển Điện lực Quốc gia Việt Nam (PDP8) về tăng cường các quy định quản lý năng lượng tái tạo, bao gồm năng lượng mặt trời trên mái nhà (ĐMTMN) và năng lượng mặt trời tự sử dụng, Bộ Công Thương đã ban hành dự thảo Đề cương Nghị định về phát triển điện mặt trời mái nhà để lấy ý kiến (“Dự thảo Nghị định”).
Dự thảo Nghị định nhằm mục đích bổ sung khung pháp lý cho việc phát triển ĐMTMN (bao gồm cả ĐMTMN liên kết và không liên kết với lưới điện quốc gia).
Dự thảo Nghị định có những điểm nổi bật chính như sau:
1. Thứ nhất, Dự thảo Nghị định cho phép phát triển ĐMTMN liên kết với lưới điện quốc gia theo các điều kiện cụ thể: (i) tổng công suất của ĐMTMN không vượt quá tổng công suất được phê duyệt trong PDP8 (tức khoảng 2.600 MW vào năm 2030), và phải phù hợp với các điều kiện phụ tải hiện có tại thời điểm đăng ký phát triển ĐMTMN, (ii) việc triển khai ĐMTMN chỉ nhằm mục đích tự sử dụng, không bán cho bên thứ ba, bao gồm Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) (nói cách khác, các tổ chức và cá nhân phát triển ĐMTMN không được phép đầu tư, kinh doanh điện năng); (iii) trong trường hợp phát sản lượng điện lên lưới điện quốc gia, giá bán điện sẽ là “0” đồng, và (iv) nếu không phát sản lượng điện lên lưới điện quốc gia, chủ đầu tư phải tự chịu chi phí lắp đặt bộ điều khiển/thiết bị hạn chế tối đa phát điện dư vào hệ thống điện. Ngược lại với ĐMTMN có liên kết với lưới điện quốc gia, Dự thảo Nghị định không hạn chế công suất của ĐMTMN không liên kết với lưới điện quốc gia, tuy nhiên việc phát triển mô hình này vẫn phải tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu đối với tự sử dụng ĐMTMN và đảm bảo không liên kết với lưới điện quốc gia.
2. Thứ hai, theo Dự thảo Nghị định, để phát triển ĐMTMN, các cá nhân, tổ chức có nhu cầu phát triển ĐMTMN phải đăng ký với đơn vị điện lực có thẩm quyền tại địa phương để xin xác nhận về các điều kiện liên quan. Thủ tục này sẽ được thực hiện trong thời hạn bảy (07) ngày kể từ ngày đơn vị điện lực tại địa phương nhận được hồ sơ. Ngoài ra, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền phê duyệt công suất của phát triển ĐMTMN nhằm đảm bảo tổng công suất của tất cả các dự án ĐMTMN không vượt quá công suất được đặt ra cho từng tỉnh theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia. Các cơ quan quản lý nhà nước khác có liên quan sẽ kiểm tra và xác nhận việc tuân thủ các yêu cầu về điện, xây dựng, môi trường, phòng chống cháy nổ của hệ thống ĐMTMN.
3. Thứ ba, đáng chú ý, Bộ Công Thương vẫn đang tiếp tục lấy ý kiến của các cơ quan hữu quan khác về một số vấn đề liên quan đến việc phát triển ĐMTMN như sau:
· Dự thảo Nghị định nhấn mạnh sự phù hợp của việc phát triển hệ thống ĐMTMN ở Đồng bằng sông Hồng với PDP8 và định hướng phát triển vùng và liên kết vùng.
· Việc lắp đặt hệ thống ĐMTMN trên mái nhà ở riêng lẻ để tự sử dụng (không bán cho EVN hoặc các tổ chức, cá nhân khác) không cần phải xin chấp thuận chủ trương đầu tư cũng như thành lập dự án đầu tư. Đối với việc phát triển ĐMTMN trong các trường hợp còn lại (chẳng hạn như lắp đặt ĐMTMN trên sân thượng của nhà máy sản xuất, v.v.), nhà đầu tư phải tuân thủ theo quy định pháp luật hiện hành. Tuy nhiên, pháp luật hiện hành vẫn chưa đề cập rõ ràng đến vấn đề này nên Bộ Công Thương đang tiếp tục xin ý kiến từ các cơ quan quản lý có liên quan.
· Khi lắp đặt hệ thống ĐMTMN, không cần thiết phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất và công năng của công trình xây dựng tương ứng thành đất năng lượng và các công trình năng lượng. Quy định này cũng phù hợp với Luật Đất đai sửa đổi 2024 vừa được Quốc hội thông qua gần đây và dự kiến có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2025 sắp tới.
· Bộ Công Thương cũng đang xin ý kiến từ các cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền khác nhằm làm rõ liệu cấp công trình có căn cứ vào công trình xây dựng có mái nhà hay không, có nên lập dự án đầu tư xây dựng khi sửa chữa, cải tạo công trình để lắp đặt hệ thống ĐMTMN hay không và cơ quan nào có thẩm quyền thẩm định thiết kế xây dựng.
Bên cạnh các nội dung nổi bật nêu trên, Dự thảo Nghị định vẫn chưa làm rõ khái niệm xác định thế nào là “tự tiêu thụ” và “ĐMTMN liên kết với lưới điện quốc gia”. Ngoài ra, Dự thảo nghị định cũng chưa giải quyết được các vướng mắc về điều kiện và thủ tục đối với trường hợp chủ sở hữu hệ thống ĐMTMN (tức chủ đầu tư ĐMTMN) không đồng thời là chủ sở hữu mái nhà của công trình lắp hệ thống ĐMTMN, và có hoạt động mua bán điện giữa chủ đầu tư ĐMTMN và chủ sở hữu mái nhà, nhưng sản lượng điện sinh ra từ hệ thống ĐMTMN chỉ được phục vụ cho mục đích tự sử dụng của chủ sở hữu mái nhà.
Từ các điểm nổi bật nêu trên, có vẻ như Dự thảo Nghị định sẽ còn phải sửa đổi nhiều lần trước khi chính thức được thông qua và có hiệu lực áp dụng.