1. Chủ Sở Hữu Hưởng Lợi Là Ai?
Chủ sở hữu hưởng lợi (Beneficial Owner - BO) là cá nhân thực sự kiểm soát hoặc hưởng lợi từ một doanh nghiệp, dù có thể không đứng tên trực tiếp trong hồ sơ đăng ký kinh doanh.
Khái niệm này đóng vai trò quan trọng trong quản trị doanh nghiệp, phòng chống rửa tiền (AML), chống tham nhũng và gian lận tài chính. Việc công khai thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi giúp:
1 .Ngăn chặn rửa tiền & tài trợ khủng bố
2. Chống trốn thuế & gian lận thương mại
3. Tăng cường trách nhiệm giải trình & minh bạch doanh nghiệp
2. Chủ Sở Hữu Hưởng Lợi Trong Pháp Luật Việt Nam
Chưa được quy định trong Luật Doanh nghiệp 2020
Hiện tại, Luật Doanh nghiệp 2020 chưa có định nghĩa chính thức về "chủ sở hữu hưởng lợi". Điều này tạo ra khoảng trống pháp lý, ảnh hưởng đến tính minh bạch của doanh nghiệp, đặc biệt khi Việt Nam đang chịu áp lực từ các tổ chức tài chính quốc tế về phòng chống rửa tiền.
Đã được quy định trong Luật Phòng, Chống Rửa Tiền 2022
Mặc dù chưa có trong Luật Doanh nghiệp, khái niệm chủ sở hữu hưởng lợi đã được chính thức đề cập trong Luật Phòng, Chống Rửa Tiền 2022 (Luật số 14/2022/QH15), có hiệu lực từ ngày 01/3/2023.
Theo khoản 7 Điều 3 của Luật này, chủ sở hữu hưởng lợi được định nghĩa như sau:
"Chủ sở hữu hưởng lợi là cá nhân có quyền sở hữu trên thực tế một hoặc một số tài sản, có quyền chi phối khách hàng thực hiện giao dịch liên quan đến tài sản cho cá nhân này; là cá nhân có quyền chi phối một pháp nhân hoặc một thỏa thuận pháp lý."
Để cụ thể hóa định nghĩa này, Nghị định 19/2023/NĐ-CP ngày 28/4/2023 đã đưa ra các tiêu chí xác định chủ sở hữu hưởng lợi, bao gồm:
- Đối với khách hàng là cá nhân:
- Cá nhân sở hữu thực tế một tài khoản hoặc chi phối hoạt động của tài khoản đó.
- Cá nhân thiết lập và thực tế chi phối mối quan hệ với đối tượng báo cáo.
- Đối với khách hàng là tổ chức:
- Cá nhân thực tế nắm giữ trực tiếp hoặc gián tiếp từ 25% vốn điều lệ trở lên của tổ chức đó hoặc cá nhân cuối cùng có quyền chi phối đối với tổ chức.
- Nếu không xác định được cá nhân theo tiêu chí trên, xác định ít nhất một người đại diện theo pháp luật của tổ chức, trừ trường hợp cá nhân đại diện vốn nhà nước.
- Đối với tổ chức là doanh nghiệp đã niêm yết trên các thị trường chứng khoán và thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi đã được công bố, xác định theo thông tin đã công bố.
- Đối với thỏa thuận pháp lý:
- Thu thập, cập nhật các thông tin nhận dạng về bên ủy thác, bên nhận ủy thác, người thụ hưởng, các bên có liên quan, và cá nhân có quyền kiểm soát cuối cùng đối với ủy thác.
- Đối với hợp đồng bảo hiểm nhân thọ:
- Cá nhân thực tế thụ hưởng quyền lợi của người được bảo hiểm trong hợp đồng bảo hiểm nhân thọ.
Việc bổ sung các quy định này nhằm tăng cường tính minh bạch và hiệu quả trong công tác phòng, chống rửa tiền tại Việt Nam, đồng thời đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và cam kết của Việt Nam trong lĩnh vực này.
3. Bài Học Từ FinCEN – Cách Chỉnh phủ Hoa Kỳ Quản Lý Chủ Sở Hữu Hưởng Lợi
Tại Hoa Kỳ, Mạng lưới Thi hành Tội phạm Tài chính (FinCEN - Financial Crimes Enforcement Network) là cơ quan chịu trách nhiệm thu thập và giám sát thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi nhằm ngăn chặn rửa tiền và tài trợ khủng bố.
Luật Minh bạch Doanh nghiệp Hoa Kỳ (Corporate Transparency Act - CTA), có hiệu lực từ năm 2024, yêu cầu mọi doanh nghiệp tại Mỹ phải báo cáo thông tin chủ sở hữu hưởng lợi cho FinCEN.
Các thông tin này sẽ không công khai, nhưng cơ quan chính phủ, cơ quan thực thi pháp luật và tổ chức tài chính có thể tiếp cận khi cần để đảm bảo tính minh bạch và tuân thủ quy định AML.
Các công ty không tuân thủ có thể bị phạt lên tới 10.000 USD và đối mặt với trách nhiệm hình sự.
Hoa Kỳ cũng yêu cầu các ngân hàng, công ty tài chính phải thực hiện xác minh danh tính khách hàng (Customer Due Diligence - CDD) để đảm bảo không có cá nhân nào che giấu quyền sở hữu thực sự.
Bài học cho Việt Nam:
- Việt Nam có thể tham khảo mô hình của FinCEN để thiết lập một cơ sở dữ liệu chủ sở hữu hưởng lợi – có thể được quản lý bởi Ngân hàng Nhà nước hoặc Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
- Yêu cầu doanh nghiệp phải báo cáo thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi định kỳ để tránh các rủi ro rửa tiền và gian lận tài chính.
- Cần có các biện pháp chế tài mạnh mẽ để xử lý doanh nghiệp không tuân thủ, giống như cách Mỹ áp dụng đối với các công ty vi phạm Luật Minh bạch Doanh nghiệp.
4. Tác Động Khi Việt Nam Bị Đưa Vào Danh Sách Xám Của FATF
Việt Nam là thành viên của Nhóm Châu Á - Thái Bình Dương về Chống Rửa Tiền (APG) từ năm 2007 và chịu sự giám sát theo 40 Khuyến nghị của FATF.
Tháng 6/2023, FATF đã chính thức đưa Việt Nam vào Danh sách Xám, yêu cầu nước ta cải thiện minh bạch và công khai thông tin chủ sở hữu hưởng lợi.
Nếu không thực hiện cải thiện, Việt Nam có nguy cơ bị đưa vào Danh sách Đen, gây ra hậu quả nghiêm trọng:
1 .Dòng vốn FDI vào Việt Nam có thể giảm 7,6% GDP (theo IMF)
2. Các giao dịch tài chính quốc tế sẽ bị kiểm soát chặt chẽ và tăng chi phí
3. Nguy cơ bị hạn chế mở chi nhánh ngân hàng tại nước ngoài
Việt Nam có thời hạn đến tháng 5/2025 để khắc phục các vấn đề này. Nếu không đáp ứng, doanh nghiệp Việt Nam có thể bị ảnh hưởng lớn khi giao dịch với các đối tác quốc tế.
5. Doanh Nghiệp & Pháp Chế Nội Bộ Cần Chuẩn Bị Gì?
Nghĩa Vụ Của Doanh Nghiệp
- Lưu trữ và cung cấp thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi:
- Họ và tên, quốc tịch, địa chỉ cư trú
- Cơ cấu sở hữu thực tế và quyền kiểm soát
- Lợi ích tài chính có liên quan
- Báo cáo và cập nhật thông tin khi:
- Có thay đổi về cơ cấu sở hữu
- Cơ quan nhà nước hoặc tổ chức tài chính yêu cầu
- Thực hiện các giao dịch tài chính lớn
6. Xu Hướng Tương Lai – Doanh Nghiệp Nên chuẩn bị gì để Sẵn Sàng ứng phó?
Việc công khai thông tin chủ sở hữu hưởng lợi sắp trở thành nghĩa vụ pháp lý bắt buộc. Doanh nghiệp cần chủ động tuân thủ để tránh bị xử phạt và đảm bảo uy tín khi hợp tác với đối tác nước ngoài.
Hành động ngay hôm nay:
1 .Rà soát danh sách cổ đông & cấu trúc sở hữu doanh nghiệp
2 .Cập nhật quy trình báo cáo & lưu trữ thông tin chủ sở hữu hưởng lợi
3. Đảm bảo pháp chế nội bộ sẵn sàng hỗ trợ tuân thủ & bảo vệ doanh nghiệp trước rủi ro pháp lý với yêu cầu hội nhập quốc tế hiện nay.