Tổng quan về Chỉ số HHI và Phân tích từ Báo cáo Thường niên của Cục Quản lý Cạnh tranh (2021-2023)
1. Hiểu về HHI và Vai trò của nó trong Luật Cạnh tranh tại Việt Nam Chỉ số Herfindahl-Hirschman (HHI)
Trong thập kỷ qua, sự phát triển không ngừng của công nghệ chuỗi khối (Blockchain) đã tạo nên những đột phá trong lĩnh vực tài chính và đầu tư. Đặc biệt, với sự ra đời của các sản phẩm dựa trên công nghệ blockchain, các thuật ngữ như “tài sản kỹ thuật số”, “tài sản ảo”, “tài sản mã hóa”, “crypto asset” (gọi chung là “tài sản ảo”) dần xuất hiện. Đồng thời, các ứng dụng mới cũng được tạo ra để tận dụng ưu thế của các loại tài sản này. Một trong những hoạt động mà các sản phẩm công nghệ Blockchain được ứng dụng nhiều nhất, có thể kể đến là hoạt động huy động vốn (fund-raising) của các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ. Các hình thức gọi vốn mới dần xuất hiện, cơ bản nhất là ICOs (Initial Coin Offerings), đến nhiều phương thức gây quỹ mới của các Startup như IEOs (Initial Exchange Offerings) hay STOs (Security Token Offerings) cho đến gần đây nhất là IDO (Initial DEX Offering).
Các hình thức này không những mang đến nhiều cơ hội mới cho doanh nghiệp, mà còn mang lại nhiều thách thức và rủi ro, đặc biệt là trong giai đoạn Việt Nam chưa có bất kỳ khung pháp lý nào cho các hình thức này. Vì vậy, vai trò của luật sư nội bộ là rất quan trọng trong việc đảm bảo hoạt động kinh doanh đúng luật và giảm thiểu rủi ro cho doanh nghiệp.
Trong phạm vi của bài viết này, chúng ta sẽ khám phá những điều luật sư nội bộ cần quan tâm khi doanh nghiệp tiến hành gọi vốn qua các hình thức này.
Hiện nay, định nghĩa tài sản ảo vẫn còn gây tranh cãi. Tuy nhiên, có thể hiểu rằng tài sản ảo là các đơn vị giá trị phi vật lý tồn tại trên mạng internet. Chúng có khả năng được sử dụng trong giao dịch, trao đổi và lưu trữ giá trị. Hiện nay, một số loại tài sản ảo phổ biến như sau:
- Tài sản ảo dưới dạng tiền điện tử như Bitcoin, Ethereum và Litecoin. Đây là các đơn vị tiền tệ kỹ thuật số được sử dụng như tiền mặt truyền thống trong các giao dịch trực tuyến.
- Tài sản ảo dưới dạng các xu điện tử (token) được phát hành trên nền tảng blockchain. Các token này có thể đại diện cho quyền sở hữu, quyền biểu quyết, quyền truy cập vào một sản phẩm hoặc dịch vụ cụ thể thậm chí có thể đại diện cho các loại chứng khoán trên thị trường.
- Tài sản ảo dưới dạng Non-Fungible Token (NFT), đây là đại diện cho sự độc nhất vô nhị và không thể thay thế của một tài sản kỹ thuật số cụ thể, chẳng hạn như một tác phẩm nghệ thuật số, một video hoặc một trò chơi, vật phẩm trong một trò chơi.
Huy động vốn thông qua tài sản ảo có thể được thực hiện qua một số hình thức khác nhau, tùy thuộc vào loại tài sản ảo và mục đích cụ thể của việc huy động vốn. Một số hình thức phổ biến hiện tại trên thị trường có thể kể đến như sau:
- Initial Coin Offering (ICO): đây việc chào bán các loại mã kỹ thuật số (token) ra công chúng và thu về các loại tiền mã hóa như Bitcoin hoặc Ether, thậm chí là tiền pháp định.
Initial Exchange Offering (IEO): hình thức này tương tự ICO, tuy nhiên, các token sẽ được bán trên các sàn giao dịch tiền ảo tập trung như (CEX) như Binance Launchpad, Huobi Prime nơi người dùng có thể mua token bằng tiền trực tiếp từ ví sàn của họ.
- Security Token Offering (STO): Đây là một dạng ICO tương tự, nhưng token được coi là đại diện cho các loại chứng khoán của dự án, và nó sẽ được chào bán cho các nhà đầu tư.
- Initial DEX Offering (IDO): là hình thức huy động vốn cho dự án blockchain bằng cách bán trực tiếp coin hay token cho công chúng thông qua sàn giao dịch phi tập trung (DEX).
Tiềm năng huy động vốn thông qua tài sản ảo là một lĩnh vực hứa hẹn với nhiều lợi ích và cơ hội. Đặc biệt là tại thị trường Việt Nam. Mặc dù chưa có hệ thống pháp lý quy định về tài sản ảo, tuy nhiên, Việt Nam vẫn liên tục đứng đầu trong danh sách xếp hạng các quốc gia chấp nhận tiền điện tử (theo cáo cáo của Chainalysis năm 2021 và 2022, một công ty phân tích thị trường blockchain tại Mỹ). Một số nguyên nhân khiến thị trường này hấp dẫn có thể kể đến như sau:
Đầu tiên, khả năng tăng trưởng của tài sản ảo. Chúng ta có thể dễ dàng thấy, trên thị trường tài chính, tiền điền tử cũng như các tài sản ảo khác đang có sự tăng trưởng một cách nhanh chóng. Điều này đã tạo nên biên độ lợi nhuận rất lớn, thu hút các nhà đầu tư mới đặc biệt là các nhà đầu tư mạo hiểm nhằm mở rộng nguồn vốn cho doanh nghiệp để thực hiện dự án.
Hơn nữa, sự minh bạch và tiện lợi cũng là những ưu điểm đáng chú ý của việc huy động vốn thông qua tài sản ảo. Công nghệ blockchain cho phép ghi nhận các giao dịch vào hệ thống được phân tán và công khai, đảm bảo tính minh bạch trong giao dịch. Hơn nữa, việc sử dụng các hợp đồng thông minh (smart contracts) giúp tự động hóa quy trình và tăng tính tiện lợi, từ việc thu thập vốn đến phân phối lợi nhuận.
Cuối cùng, việc gọi vốn thông qua tài sản ảo góp phần mở rộng phạm vi huy động vốn, cho phép người huy động vốn tiếp cận với nhà đầu tư toàn cầu. Nó không những cơ hội rộng lớn để thu hút nguồn vốn mới từ mọi nơi trên thế giới, thúc đẩy sự phát triển và mở rộng của các dự án.
Việc huy động vốn thông qua tài sản ảo cũng đối diện với nhiều thách thức, bao gồm :
- Quy định pháp lý: Hiện tại, Việt Nam chưa có khung pháp lý cho các loại tài sản ảo và đa số các quy định huy động vốn truyền thống hiện tại chưa thể áp dụng trực tiếp cho tài sản ảo. Hơn nữa, theo quan điểm của Ngân hàng Nhà nước, “tiền ảo” hiện tại đang là “phương tiện thanh toán không hợp pháp”, và yêu cầu các ngân hàng tại Việt Nam không được thực hiện các giao dịch liên quan đến tiền ảo. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến cho các start-up Việt Nam lựa chọn nước thứ ba là nơi để triển khai dự án cũng như huy động vốn mặc dù các đội ngũ chủ chốt của họ vẫn đang ở Việt Nam.
- Rủi ro lừa đảo: Do chưa có quy định pháp luật liên quan cộng với sự phát triển nhanh chóng của tài sản ảo đã tạo ra một môi trường tiềm ẩn rủi ro về lừa đảo. Vì vậy, luật sư nội bộ cần chú trọng đến việc đảm bảo tính hợp pháp của quá trình huy động vốn và bảo vệ doanh nghiệp khỏi các hoạt động gian lận và lừa đảo.
- An ninh và bảo mật thông tin: Huy động vốn thông qua tài sản ảo đòi hỏi sự bảo mật và an ninh cao đối với thông tin và tài sản kỹ thuật số. Luật sư nội bộ cần xác định các biện pháp bảo vệ và phòng ngừa để đảm bảo an toàn cho khách hàng trong quá trình giao dịch tài sản ảo.
Trước khi tham gia huy động vốn thông qua tài sản ảo, luật sư nội bộ cần đánh giá kỹ lưỡng tiềm năng và thách thức pháp lý để đảm bảo tuân thủ pháp luật và bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp, đồng thời, cần lưu ý các vấn đề sau:
- Thứ nhất, về việc lựa chọn hệ thống pháp luật áp dụng: Do các hình thức gọi vốn thông qua tài sản ảo đang diễn ra trên môi trường toàn cầu, thậm chí là phi tập trung. Vì vậy, vấn đề về quyền áp dụng pháp luật trở nên phức tạp. Luật sư nội bộ cần xem xét và tư vấn về các yếu tố như quốc gia sở trụ, quốc tịch của các bên liên quan, vùng kinh tế đặc biệt và quyền áp dụng pháp luật quốc tế. Việc lựa chọn hệ thống pháp luật phù hợp sẽ đảm bảo rằng quá trình huy động vốn diễn ra trong ranh giới pháp lý rõ ràng và tuân thủ các quy định cụ thể.
- Thứ hai, về quyền sở hữu trí tuệ: Trong quá trình huy động vốn, quyền sở hữu trí tuệ có vai trò quan trọng. Luật sư nội bộ cần đảm bảo rằng doanh nghiệp đã đăng ký đầy đủ quyền sở hữu và sử dụng công nghệ, sản phẩm hoặc dịch vụ mà họ cam kết trong quá trình huy động vốn. Đồng thời, luật sư cũng phải đảm bảo rằng việc phát hành token không vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của bên thứ ba. Điều này có thể bao gồm việc đánh giá và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, đồng thời xác định và quản lý các rủi ro liên quan đến việc vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trong quá trình huy động vốn.
- Thứ ba, về hợp đồng và phân bổ rủi ro trong hợp đồng. Luật sư nội bộ cần chú trọng đến việc xây dựng và kiểm tra hợp đồng trong quá trình huy động vốn bằng tài sản ảo. Hợp đồng cần phải rõ ràng và minh bạch về các điều khoản và điều kiện của giao dịch, bao gồm cả phân bổ rủi ro giữa các bên liên quan. Luật sư nội bộ cần đảm bảo rằng các điều khoản hợp đồng không trái quy định pháp luật, các bên có nhận thức rõ ràng về các rủi ro có thể phát sinh từ việc đầu tư vào Tài sản ảo. Ngoài ra, luật sư còn cần xem xét và tư vấn các giải pháp phân bổ rủi ro trong hợp đồng, bảo vệ quyền lợi của các bên và giảm thiểu các tranh chấp có thể xảy ra sau này.
Huy động vốn thông qua tài sản ảo là một phương thức hứa hẹn trong việc tạo nguồn vốn cho các dự án do tiềm năng tăng trưởng nhanh của thị trường tài sản ảo và sự minh bạch, tiện lợi trong giao dịch trên blockchain. Tuy nhiên, việc tuân thủ các quy định pháp lý và đảm bảo an ninh, bảo mật thông tin vẫn là những thách thức cần được quan tâm. Chỉ thông qua việc thực hiện đúng các quy định và tư vấn từ luật sư nội bộ, doanh nghiệp mới có thể đảm bảo an toàn và tận dụng được lợi ích và tiềm năng của việc huy động vốn thông qua tài sản ảo.