Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII được phê duyệt - cơ hội đầu tư mới

Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII được phê duyệt - cơ hội đầu tư mới

Ngày 01 tháng 04 vừa qua, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã ký Quyết định 262/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 ("Kế hoạch thực hiện QHĐ8"). Kế hoạch thực hiện QHĐ8 này ra đời sau hơn 10 tháng kể từ thời điểm ban hành Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (“QHĐ8”) để đưa QHĐ8 vào thực tiễn nhằm đáp ứng yêu cầu quan trọng về an ninh năng lượng quốc gia. Một trong những mục tiêu mà Kế hoạch thực hiện QHĐ8 đề ra là xác định các giải pháp thu hút đầu tư phát triển điện lực theo QHĐ8 trong thời kỳ quy hoạch, và huy động tối đa sự tham gia của các thành phần kinh tế để phát triển điện lực.

Thứ nhất, đối với nhiệt điện LNG

Theo Danh mục các dự án nguồn điện quan trọng, ưu tiên đầu tư của ngành tới năm 2030, tổng công suất của các dự án nhiệt điện LNG là 22.400 MW. Danh mục cũng liệt kê các dự án đang thực hiện lựa chọn chủ đầu tư như LNG Thái Bình, LNG Nghi Sơn hay LNG Cà Ná đều có công suất 1.500 MW và dự kiến đưa vào vận hành từ 2029. Đối với các dự án nhiệt điện LNG có trong Kế hoạch thực hiện QHĐ8 nhưng chưa có chủ đầu tư, UBND địa phương sẽ phải hoàn thành việc lựa chọn chủ đầu tư và trình báo cáo nghiên cứu khả thi của dự án trong quý II năm 2025.

Thứ hai, đối với điện mặt trời

Trước đó, QHĐ8 yêu cầu Kế hoạch thực hiện QHĐ8 sẽ quy định về tiến độ cụ thể của các dự án điện mặt trời đã được phê duyệt quy hoạch, chấp thuận chủ trương đầu tư và giao chủ đầu tư. Tuy nhiên, Kế hoạch thực hiện QHĐ8 này vẫn chưa đưa ra tiến độ cụ thể, mà chỉ giao UBND các tỉnh có văn bản gửi Bộ Công thương về quy hoạch trên địa bàn, làm tiền đề để Bộ Công thương trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Theo đó, việc thực hiện các dự án này vẫn còn “bỏ ngỏ” và chờ sự rà soát của Bộ Công Thương.

Đồng thời, Kế hoạch thực hiện QHĐ8 cũng không đưa vào bất kỳ dự án điện mặt trời tập trung nào trong tổng số công suất 10.236 MW được cơ cấu trong nguồn điện theo QHĐ8. Như vậy, cho giai đoạn tới năm 2030, dường như sẽ không có thêm bất kỳ dự án điện mặt trời tập trung mới nào được cho phép thực hiện. Cho giai đoạn sau năm 2030, các dự án điện mặt trời tập trung cũng chỉ được triển khai theo hình thức tự sản tự tiêu.

Hiện tại, Kế hoạch thực hiện QHĐ8 chỉ triển khai điện mặt trời mái nhà (tự sản tự tiêu) với công suất 2.600 MW như phê duyệt tại QHĐ8, tập trung tại các khu công nghiệp lớn là Bình Dương và Đồng Nai.

Thứ ba, đối với năng lượng điện gió 

Nhìn tổng quan tới năm 2030, điện gió trên bờ và điện gió ngoài khơi được tập trung phát triển với công suất lần lượt là 6.000 MW và 10.102 MW.

Điện gió ngoài khơi đa số phân bổ cho Bắc Bộ (2.500 MW) và Nam Trung Bộ (2.000 MW). Tuy nhiên, dự án điện gió ngoài khơi đang gặp phải vướng mắc về quy định pháp luật và cần chờ ban hành Đề án thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi.

Kế hoạch thực hiện QHĐ8 cũng liệt kê các dự án điện gió trên bờ được phê duyệt, với tổng công suất xấp xỉ 10.102 MW[1], chiếm 46,3% công suất theo quy hoạch (21.880 MW). Do vậy, chúng tôi nhận thấy rằng, cơ hội cho các nhà đầu tư phát triển các dự án điện gió trên bờ là rất lớn.  

Thứ tư, đối với xuất khẩu năng lượng tái tạo

Chính Phủ cũng chú trọng xuất khẩu năng lượng tái tạo ra nước ngoài với vị trí tiềm năng là khu vực miền Trung và miền Nam và sử dụng năng lượng tái tạo (chủ yếu là điện gió ngoài khơi) để sản xuất năng lượng mới (hydro xanh, amoniac xanh) phục vụ xuất khẩu. Bộ Công thương được giao nhiệm vụ báo cáo, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét từng dự án cụ thể khi đã cơ bản đánh giá được tính khả thi về công nghệ và giá thành.

Thứ năm, về nguồn vốn

Toàn bộ vốn đầu tư cho các dự án đầu tư nguồn điện đều sử dụng nguồn vốn tư nhân. Nhu cầu vốn đầu tư nguồn điện dự tính rơi vào khoảng 1.715 nghìn tỷ đồng (tương đương 71,7 tỷ USD) cho giai đoạn 2026 – 2030.

Thứ sáu, xây dựng và hoàn thiện pháp luật về năng lượng tái tạo

Trong giai đoạn 2023-2025, các Bộ và cơ quan được giao tiến hành sửa đổi Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, Luật Quy hoạch, Luật Điện lực và ban hành các chế tài liên quan. Bên cạnh đó, Kế hoạch thực hiện QHĐ8 cũng yêu cầu (i) hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về năng lượng có nguồn gốc hydrogen; (ii) ban hành khung giá cho nguồn điện năng lượng tái tạo; (iii) xây dựng cơ chế phát triển thị trường các-bon, và (iv) xây dựng cơ chế mua bán điện trực tiếp.

Thứ bảy, về nghiên cứu xây dựng các trung tâm công nghiệp

Kế hoạch thực hiện QHĐ8 cũng yêu cầu nghiên cứu xây dựng 02 trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng trong giai đoạn tới năm 2030. Đầu tiên là Trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo tại Bắc Bộ có vị trí tại khu vực Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình. Trung tâm này có quy mô điện gió ngoài khơi khoảng 2.000 MW, điện gió trên bờ và ven bờ khoảng 500 MW. Thứ hai là Trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng Nam Trung Bộ - Nam Bộ có vị trí tại khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh. Trung tâm này có quy mô điện gió ngoài khơi khoảng 2.000-2.500 MW, điện gió trên bờ và ven bờ khoảng 1.500-2.000 MW. Hai trung tâm này sẽ là tổ hợp của các nhà máy chế tạo thiết bị phục vụ phát triển năng lượng tái tạo, dịch vụ cảng biển và hậu cần, các khu công nghiệp xanh và các cơ sở nghiên cứu, đào tạo.

Các lưu ý khác

Ngoài ra, ngày 02 tháng 04, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cũng ký thêm Quyết định 270/QĐ-TTg phê duyệt Danh mục các chương trình, công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành năng lượng. Theo Danh mục này, các dự án nguồn điện bao gồm : Nhà máy nhiệt điện (NMNĐ) LNG Quảng Trạch II; NMNĐ LNG Hiệp Phước giai đoạn 1; NMNĐ LNG Long An 1; NMNĐ LNG Long An 2. Các dự án kho LNG và nhà máy điện (NMĐ) sử dụng LNG làm nhiên liệu bao gồm: Quảng Ninh, Thái Bình, Nghi Sơn, Hải Lăng giai đoạn 1, Cà Ná, Bạc Liêu. Trong Danh mục cũng bao gồm Đề án thí điểm phát triển điện gió ngoài khơi, tuy nhiên, Đề án này vẫn chưa được triển khai cụ thể.

Như vậy, sự ra đời của các quyết định nói trên đã tạo tiền đề để các dự án năng lượng tái tạo tiếp tục phát triển. Với nhu cầu vốn đầu tư lớn cho các dự án điện gió, điện mặt trời và các trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo mở ra cơ hội hợp tác cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước trong những năm tới.

 


[1] Bảng 9, Phụ lục III, Quyết định phê duyệt Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050

Great! You’ve successfully signed up.

Welcome back! You've successfully signed in.

You've successfully subscribed to Tập San Luật sư Nội bộ.

Success! Check your email for magic link to sign-in.

Success! Your billing info has been updated.

Your billing was not updated.