Tổng quan về Chỉ số HHI và Phân tích từ Báo cáo Thường niên của Cục Quản lý Cạnh tranh (2021-2023)
1. Hiểu về HHI và Vai trò của nó trong Luật Cạnh tranh tại Việt Nam Chỉ số Herfindahl-Hirschman (HHI)
Tiếp nối các quy định cũ, Luật Đầu tư số 61/2020/QH14 được Quốc hội Việt Nam ban hành vào ngày 17/06/2020 (“Luật Đầu tư 2020”) tiếp tục giữ nguyên định nghĩa về nhà đầu tư nước ngoài là các cá nhân có quốc tịch nước ngoài (“Nhà đầu tư nước ngoài”), tổ chức thành lập theo pháp luật nước ngoài thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam. Mặc dù là hình thức đầu tư phổ biến của Nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường Việt Nam, trên thực tế, quy định pháp luật Việt Nam hiện hành đối với hình thức này vẫn còn nhiều vướng mắc và rủi ro trong quá trình thực hiện đầu tư, cụ thể như trong việc xác định thời điểm Nhà đầu tư nước ngoài được chính thức chấp nhận trở thành cổ đông của công ty.
1. Quy định pháp luật liên quan đến thời điểm xác nhận tư cách cổ đông của Nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam
Các quy định liên quan khi xác định thời điểm xác nhận tư cách cổ đông của Nhà đầu tư nước ngoài khi đầu tư vào công ty cổ phần bao gồm như sau:
a. Thời điểm cơ quan đăng ký đầu tư ban hành thông báo chấp thuận Nhà đầu tư nước ngoài
Theo quy định tại Khoản 3 Điều 66, Điểm c Khoản 4 Điều 66 Nghị định 31/2021, trong một số trường hợp đặc biệt, Nhà đầu tư nước ngoài sẽ bắt buộc phải thực hiện các thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần và được cơ quan đăng ký đầu tư thông báo chấp thuận bằng văn bản trước khi thực hiện các thủ tục thay đổi cổ đông. Cụ thể, các trường hợp này áp dụng đối với:[1]
(i) Việc góp vốn, mua cổ phần làm tăng tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài tại tổ chức kinh tế kinh doanh ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài; hoặc
(ii) Việc góp vốn, mua cổ phần dẫn đến việc tăng tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của Nhà đầu tư nước ngoài từ dưới hoặc bằng 50% lên trên 50%; hoặc tăng tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của Nhà đầu tư nước ngoài khi Nhà đầu tư nước ngoài đã sở hữu trên 50% vốn điều lệ trong tổ chức kinh tế; hoặc
(iii) Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần của tổ chức kinh tế có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại đảo và xã, phường, thị trấn biên giới; xã, phường, thị trấn ven biển; khu vực khác có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.
b. Thời điểm Nhà đầu tư được ghi tên vào sổ cổ đông của doanh nghiệp
Đối với các trường hợp chuyển nhượng cổ phần, Nhà đầu tư nước ngoài sẽ trở thành cổ đông của doanh nghiệp từ thời điểm các thông tin tại Khoản 2 Điều 122 Luật Doanh nghiệp 2020 (bao gồm thông tin về tên, cổ phần,…) của Nhà đầu tư nước ngoài được ghi nhận đầy đủ vào sổ đăng ký cổ đông.[2] Nghĩa là Nhà đầu tư nước ngoài sẽ trở thành cổ đông của doanh nghiệp từ thời điểm các thông tin theo yêu cầu được chính doanh nghiệp hoặc các tổ chức khác có chức năng lưu giữ sổ công đông ghi nhận các thông tin của Nhà đầu tư nước ngoài vào sổ cổ đông.
c. Thời điểm quyền và nghĩa vụ của Nhà đầu tư nước ngoài với tư cách là cổ đông của doanh nghiệp sẽ được xác lập khi hoàn tất thủ tục thay đổi cổ đông
Căn cứ tại Khoản 1 Điều 26 Luật Đầu tư 2020, Nhà đầu tư nước ngoài đầu tư dưới hình góp vốn, mua cổ phần để trở thành cổ đông tại doanh nghiệp Việt Nam phải đáp ứng các điều kiện và thực hiện thủ tục thay đổi cổ đông theo quy định của pháp luật tương ứng với loại hình công ty cổ phần. Khi đó, các quy định về góp vốn, mua cổ phần sẽ được đồng thời dẫn chiếu tới các quy định tại Luật Doanh nghiệp số 59/2020/QH14 ngày 17/06/2024 (“Luật Doanh nghiệp 2020”). Tinh thần tại điều này cũng được thể hiện tại Khoản 5 Điều 66 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/03/2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thi thành một số điều của Luật Đầu tư (“Nghị định 31/2021”), rằng quyền và nghĩa vụ của Nhà đầu tư nước ngoài với tư cách là cổ đông của doanh nghiệp sẽ được xác lập khi hoàn tất thủ tục thay đổi cổ đông.
Mặt khác, khi Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn làm tăng vốn điều lệ, hay tham gia giao dịch chuyển nhượng cổ phần, Luật Doanh nghiệp 2020 hiện không quy định cụ thể về thời hạn mà Nhà đầu tư nước ngoài phải đáp ứng trong các trường hợp này. Về phía doanh nghiệp, theo quy định tại Khoản 5 Điều 122 và Khoản 7 Điều 127 Luật Doanh nghiệp 2020, doanh nghiệp có trách nhiệm cập nhật kịp thời thay đổi cổ đông trong sổ đăng ký cổ đông trong vòng 24 giờ kể từ khi nhận được yêu cầu từ cổ đông có liên quan. Đồng thời, doanh nghiệp phải thông báo thay đổi cổ đông là Nhà đầu tư nước ngoài tại Cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời gian 10 ngày kể từ ngày có thay đổi cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài được đăng ký trong sổ đăng ký cổ đông theo Khoản 3 Điều 31 Luật Doanh nghiệp 2020.
2. Thực trạng về thời điểm xác nhận tư cách cổ đông Nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam
Dựa trên các quy định pháp luật tại Mục 2 nêu trên, có thể hiểu rằng đối với trường hợp góp vốn để thành lập mới công ty cổ phần, Nhà đầu tư nước ngoài được “tạm thời” xác định là cổ đông khi thông tin của Nhà đầu tư được ghi nhận tại sổ đăng ký cổ đông do công ty cổ phần lập và lưu giữ kể từ khi được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.[3] Tuy nhiên, trên thực tế, tư cách cổ đông chỉ được chính thức công nhận khi Nhà đầu tư nước ngoài hoàn thành nghĩa vụ góp đủ số vốn đã đăng ký mua trong thời hạn quy định.
Đối với trường hợp Nhà đầu tư nước ngoài tham gia vào giao dịch chuyển nhượng cổ phần, việc chuyển nhượng được xem là một giao dịch dân sự,[4] được thể hiện dưới hai hình thức:[5]
(i) Hợp đồng do bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng ký kết; hoặc
(ii) Giao dịch trên thị trường chứng khoán được điều chỉnh bởi pháp luật về chứng khoán.[6]
Do đó, các bên trong giao dịch chuyển nhượng cổ phần có thể tự thỏa thuận về thời hạn chuyển nhượng cổ phần, cũng như thời hạn chuyển giao quyền và nghĩa vụ cổ đông tại công ty. Một trong những nghĩa vụ quan trọng của bên chuyển nhượng đối với Nhà đầu tư nước ngoài trong giao dịch này thể hiện ở việc bên chuyển nhượng yêu cầu công ty cổ phần phải thực hiện các thủ tục thay đổi cổ đông. Nghĩa vụ này có thể được quy định dưới hình thức một điều kiện tiên quyết trong Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, làm cơ sở để các bên tiến hành các quyền và nghĩa vụ còn lại. Nói cách khác, việc ký kết Hợp đồng chuyển nhượng cổ phần chưa làm phát sinh tư cách cổ đông của Nhà đầu tư nước ngoài mà chỉ được chính thức công nhận khi công ty cổ phần thực hiện thủ tục cập nhật thay đổi cổ đông trong sổ đăng ký cổ đông.
Nếu như giao dịch chuyển nhượng cổ phần được đặt trong mối quan hệ ba bên giữa Nhà đầu tư nước ngoài (bên nhận chuyển nhượng) – “Cổ đông có liên quan”[7] (Bên chuyển nhượng) – Công ty cổ phần nơi cổ đông có liên quan nắm giữ cổ phần được chuyển nhượng, thì trường hợp góp vốn làm tăng vốn điều lệ chỉ thu hẹp trong phạm vi mối quan hệ giữa Nhà đầu tư nước ngoài (bên góp vốn) – Công ty cổ phần. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam hiện lại đang bỏ ngỏ các quy định về thời điểm xác định tư cách cổ đông cũng như quyền và nghĩa vụ của các bên đối với trường hợp này.
Trên thực tế, việc vướng mắc trong việc xác định thời điểm công nhận tư cách cổ đông giữa doanh nghiệp và Nhà đầu tư nước ngoài cũng đã được thể hiện tại các vụ kiện phức tạp, kéo dài. Điển hình là một số vụ tranh chấp sau đây:
(i) Tranh chấp do công ty không thực hiện nghĩa vụ đối với cổ đông nước ngoài
Tại Bản án số 22/2022/KDTM-ST ngày 26/09/2022 của Tòa án nhân dân tỉnh Bắc Ninh (“TAND Bắc Ninh”) về tranh chấp hợp đồng góp vốn (“Bản án số 22”), TAND Bắc Ninh đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Jo Wan S. (Nguyên đơn), buộc Công ty V (Bị đơn) và Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty V (Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan) có trách nhiệm liên đới trả cho ông Jo Wan S. số tiền góp vốn được giao nhận theo thỏa thuận hợp tác kinh doanh.
Ban đầu, ông Jo Wan S. là cổ đông, nhà đầu tư nước ngoài tại Công ty V, sở hữu 10% tổng vốn điều lệ của Công ty V. Ông Jo Wan S. đã được Công ty V thực hiện các thủ tục bổ sung thông tin về cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài vào ngày 17/8/2017. Khởi nguồn vụ tranh chấp phát sinh khi ông Jo Wan S. và Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty V ký Biên bản hợp tác kinh doanh vào ngày 20/11/2018 nhằm mục đích ông Jo Wan S. góp vốn hợp tác kinh doanh vào Công ty V với tư cách cổ đông (“Khoản vốn góp”). Mặc dù vậy, từ năm 2018 đến thời điểm ông Jo Wan S. nộp đơn khởi kiện, ông Jo Wan S. không được Công ty V triệu tập, lấy ý kiến, thông báo tham dự bất cứ cuộc họp nào, hay thông báo chia cổ tức hàng năm, và báo cáo tài chính của công ty theo quy định của Luật Doanh nghiệp, cũng như thông báo về việc sử dụng, bảng kê các khoản chi đối với Khoản vốn góp. Sau nhiền lần liên lạc và làm việc, Công ty V tiếp tục trốn tránh thực hiện các nghĩa vụ đối với ông Jo Wan S.
Trên cơ sở đó, ông Jo Wan S. đã khởi kiện Công ty V, yêu cầu TAND tỉnh Bắc Ninh giải quyết: xem xét về quyền của cổ đông phổ thông theo Điều 115 Luật Doanh nghiệp, buộc Công ty V cung cấp toàn bộ tài liệu công ty từ năm 2017-2021; Buộc Công ty V chia cổ tức cho ông Jo Wan S. theo đúng quy định pháp luật; và Buộc Công ty V hoàn trả toàn bộ Khoản vốn góp cho ông Jo Wan S. Sau đó, ông Jo Wan S. đã thay đổi nội dung đơn khởi kiện, đề nghị Chủ tịch Hội đồng quản trị của Công ty V và Công ty V phải cùng có nghĩa vụ hoàn trả Khoản vốn góp.
(ii) Tranh chấp do chuyển nhượng cổ phần khi chưa đủ điều kiện pháp lý
Theo Bản án số 12/2023/QĐ-PQTT ngày 04/07/2023 của TAND TP. HN về việc hủy bỏ phán quyết trọng tài (“Bản án số 12”), TAND TP. HN đã hủy bỏ phán quyết trọng tài do có vi phạm nghiêm trọng trong thủ tục tố tụng của Hội đồng trọng tài tại VIAC.
Tranh chấp phát sinh từ và liên quan đến Hợp đồng mua bán cổ phần (“SPA”) giữa WHAUP (Nguyên đơn) với tư cách là bên bán cổ phần và Aqua One. và ông T (Bị đơn) với tư cách là bên mua cổ phần. Aqua One và ông T còn đồng thời là cổ đông tại Công ty nước mặt Sông Đuống (“Sông Đuống”). Trước đó, WHAUP đã mua lại 34% cổ phần của Sông Đuống từ ông T. Theo SPA, WHAUP được quyền bán toàn bộ cổ phần của mình tại Sông Đuống cho Aqua One trong trường hợp Sông Đuống không cung cấp cho WHAUP giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đã sửa đổi về việc nâng công suất dự án khai thác Nhà máy Nước mặt Sông Đuống. Aqua One đóng vai trò là bên bảo lãnh cho ông T và Sông Đuống về nghĩa vụ xin cấp phép giấy chứng nhận đăng ký đầu tư sửa đổi này. Tuy nhiên, Sông Đuống đã không cung cấp được giấy chứng nhận đăng ký đầu tư sửa đổi cho WHAUP trong thời gian thỏa thuận. Điều đáng nói là việc xin cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư sửa đổi là bất khả kháng vì việc Hà Nội đầu tư Nhà máy nước mặt sông Đuống phải căn cứ vào quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt năm 2013. Như vậy, để làm được đúng theo thỏa thuận với WHATUP thì quy hoạch cấp nước Thủ đô buộc phải được điều chỉnh, rồi mới điều chỉnh được giấy chứng nhận đăng ký đầu tư sao cho phù hợp với thoả thuận hai bên.
Đến ngày 23/11/2020, WHAUP đã gửi thông báo cho Aqua One về việc yêu cầu Aqua One thực hiện nghĩa vụ mua cổ phần từ WHAUP theo SPA. Sau đó, WHAUP đã đệ đơn khởi kiện tại VIAC do Aqua One không thực hiện nghĩa vụ nêu trên. SPA được điều chỉnh bởi pháp luật Việt Nam và quy định rằng mọi tranh chấp sẽ được giải quyết tại VIAC bằng Quy tắc của VIAC.
3. Bài học kinh nghiệm trong việc xác định thời điểm xác nhận tư cách cổ đông của Nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam
Việc xác định thời điểm Nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam là cổ đông tại công ty cổ phần là một vấn đề quan trọng và có thể có ảnh hưởng lớn đến quyền lợi và nghĩa vụ của các bên liên quan. Do đó, để hạn chế tranh chấp có thể phát sinh, Nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam có thể dựa trên một số bài học kinh nghiệm rút ra từ thực tế như sau:
Kinh nghiệm tại Bản án số 22 cho thấy, trên thực tế vẫn còn tồn tại nhiều tranh chấp tiềm ẩn có thể phát sinh chính từ việc doanh nghiệp và Nhà đầu tư nước ngoài cùng nhau ký kết các hợp đồng, thỏa thuận góp vốn, nhưng doanh nghiệp lại không thực hiện việc ghi nhận cổ đông, thực hiện các nghĩa vụ đối với cổ đông. Sự trốn tránh không thực hiện nghĩa vụ của doanh nghiệp buộc Nhà đầu tư nước ngoài phải tiến hành các thủ tục khởi kiện để được xác nhận tư cách, cũng như yêu cầu được thực hiện các quyền lợi chính đáng của Nhà đầu tư nước ngoài theo quy định của pháp luật. Tuy vậy, việc khởi kiện đôi khi cũng bị ràng buộc ngoài các vấn đề về lợi ích. Trong quá trình khởi kiện, Nhà đầu tư khi xét thấy mối quan hệ đầu tư trải qua kiện tụng có thể làm cản trở công việc hợp tác kinh doanh, Nhà đầu tư nước ngoài cũng có xu hướng chỉ yêu cầu Tòa án xem xét để Nhà đầu tư nước ngoài thu hồi từ doanh nghiệp số tiền đầu tư ban đầu, mà bỏ qua các yêu cầu xem xét chia cổ tức hay tiếp cận các tài liệu quản lý doanh nghiệp,... Do đó, để hạn chế tổn thất tiền bạc và thời gian, Nhà đầu tư nước ngoài cũng cần nghiên cứu, tìm hiểu kỹ về doanh nghiệp trước khi ra quyết định đầu tư, theo dõi và làm việc sát sao với doanh nghiệp trong suốt quá trình đầu tư để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Trường hợp như tại Bản án số 12 nêu tại Mục 3 như trên cũng cho thấy sự cần thiết trong việc nắm vững các quy định pháp luật liên quan đến đầu tư của Nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, bao gồm Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, cũng như các quy định pháp lý của từng địa phương có liên quan đến hoạt động mua bán cổ phần cụ thể. Việc nắm rõ các quy định pháp luật giúp các bên tuân thủ các trình tự, thủ tục với cơ quan nhà nước, cũng như nắm rõ các điều khoản cam kết, ràng buộc chặt chẽ về quyền và nghĩa vụ của các bên. Trong một thương vụ mua bán cổ phần, tiến độ của giao dịch không chỉ dừng lại ở việc các bên tiến hành ký kết SPA mà còn có thể diễn ra trong thời gian dài. Việc một bên không hoàn thành một hoặc các điều kiện tiên quyết sau ký kết có thể dẫn đến các thay đổi lớn về lợi ích của các bên có liên quan, và có thể khiến cho giao dịch thất bại. Như vậy, Nhà đầu tư nước ngoài khi ký kết SPA, cần thỏa thuận để thống nhất rõ thời điểm cụ thể được xác nhận tư cách cổ đông. Ngoài ra, các bên cũng đồng thời phải luôn cập nhật các thay đổi trong pháp luật hiện hành, bởi lẽ quy định có thể thay đổi và làm ảnh hưởng đến cách xác định tư cách cổ đông.
Một điểm khác cũng cần chú ý rằng, Nhà đầu tư nước ngoài cũng cần chuẩn bị đầy đủ các tài liệu cần thiết để đảm bảo đủ điều kiện tham gia góp vốn, mua cổ phần tại công ty cổ phần. Việc chuẩn bị các tài liệu có thể bao gồm giấy tờ chứng minh quyền sở hữu, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, v.v. hay các quyết định nội bộ của chính Nhà đầu tư nước ngoài về việc phê duyệt người có thẩm quyền đại diện tham gia giao dịch nói trên. Các tài liệu này phải được cung cấp một cách hợp pháp, minh bạch, chính xác về tình trạng của Nhà đầu tư nước ngoài và các thay đổi liên quan nếu có. Về phía đối tác, Nhà đầu tư nước ngoài cần đánh giá và quản lý các rủi ro pháp lý có thể phát sinh trong quá trình thực hiện giao dịch mua bán cổ phần, chẳng hạn như tài liệu chứng minh tư cách cổ đông của đối tác tại công ty cổ phần, tính minh bạch, khả thi của các hồ sơ, chứng từ hoặc thẩm định các vi phạm trước đó của đối tác (nếu có), v.v. Hoạt động đánh giá rủi ro này cần được Nhà đầu tư nước ngoài theo dõi thường xuyên và xuyên suốt quá trình thực hiện giao dịch để đảm bảo việc xác định tư cách cổ đông diễn ra suôn sẻ, đúng cam kết và đúng thời hạn. Nói cách khác, trước khi tiến hành ký kết SPA, các bên cần phải tìm hiểu và đánh giá năng lực của nhau thông qua hồ sơ năng lực, điều kiện pháp lý, lịch sử mua bán chuyển nhượng cổ phần rà soát các rủi ro tiềm ẩn làm phát sinh các tranh chấp.
[1] Khoản 2 Điều 26 Luật Đầu tư 2020:
“Điều 26. Thủ tục đầu tư theo hình thức góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp
...
2. Nhà đầu tư nước ngoài thực hiện thủ tục đăng ký góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế trước khi thay đổi thành viên, cổ đông nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp làm tăng tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài tại tổ chức kinh tế kinh doanh ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài;
b) Việc góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp dẫn đến việc nhà đầu tư nước ngoài, tổ chức kinh tế quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 23 của Luật này nắm giữ trên 50% vốn điều lệ của tổ chức kinh tế trong các trường hợp: tăng tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài từ dưới hoặc bằng 50% lên trên 50%; tăng tỷ lệ sở hữu vốn điều lệ của nhà đầu tư nước ngoài khi nhà đầu tư nước ngoài đã sở hữu trên 50% vốn điều lệ trong tổ chức kinh tế;
c) Nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp của tổ chức kinh tế có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại đảo và xã, phường, thị trấn biên giới; xã, phường, thị trấn ven biển; khu vực khác có ảnh hưởng đến quốc phòng, an ninh.
[2] Khoản 6 Điều 127 Luật Doanh nghiệp 2020.”
[3] Khoản 1 Điều 122 Luật Doanh nghiệp 2020.
[4] Điều 166 Bộ luật Dân sự 2015:
“Điều 116. Giao dịch dân sự
Giao dịch dân sự là hợp đồng hoặc hành vi pháp lý đơn phương làm phát sinh, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.”
[5] Khoản 2 Điều 127 Luật Doanh nghiệp 2020:
“Điều 127. Chuyển nhượng cổ phần
…
2. Việc chuyển nhượng được thực hiện bằng hợp đồng hoặc giao dịch trên thị trường chứng khoán. Trường hợp chuyển nhượng bằng hợp đồng thì giấy tờ chuyển nhượng phải được bên chuyển nhượng và bên nhận chuyển nhượng hoặc người đại diện theo ủy quyền của họ ký. Trường hợp giao dịch trên thị trường chứng khoán thì trình tự, thủ tục chuyển nhượng được thực hiện theo quy định của pháp luật về chứng khoán.”
[6] Do giới hạn về dung lượng, nội dung phân tích về các giao dịch chuyển nhượng cổ phần trên thị trường chứng khoán được điều chỉnh bởi pháp luật về chứng khoán sẽ được nhóm tác giả phân tích tại bài viết khác.
[7] Theo cách gọi tại Khoản 5 Điều 122 và Khoản 7 Điều 127 Luật Doanh nghiệp 2020.
Tác giả:
Trần Lâm Thúy Hường - Luật sư Cộng sự cao cấp
Vũ Thị Thanh Nhàn - Tập sự Luật sư
Dentons Luật Việt