Luật sư nội bộ bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp

Luật sư nội bộ  bảo vệ quyền  sở hữu trí tuệ  của doanh  nghiệp

Một doanh nghiệp dù trong lĩnh vực sản xuất hoặc cung cấp dịch vụ thì cũng đã và đang tạo ra, cũng như sử dụng rất nhiều các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ. Các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ của các doanh nghiệp tồn tại dưới nhiều hình thức cần được bảo vệ, quan tâm bởi đội ngũ luật sư nội bộ

Có thể kể đến như một giải pháp kỹ thuật trong hoạt động sản xuất của doanh nghiệp có thể được bảo hộ dưới hình thức sáng chế hay giải pháp hữu ích. Một kiểu dáng, mẫu mã của từng sản phẩm cụ thể mà doanh nghiệp sản xuất có thể được bảo hộ dưới hình thức kiểu dáng công nghiệp. Tên doanh nghiệp được sử dụng rộng rãi trong hoạt động sản xuất, kinh doanh cho các sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp có thể được bảo hộ dưới hình thức tên thương mại.

Danh sách khách hàng, các chiến lược bán hàng, các các thông tin thu được từ hoạt động tài chính mà doanh nghiệp muốn bảo mật có thể được bảo hộ dưới hình thức bí mật kinh doanh. Đặc biệt thông dụng là các nhãn hiệu được thể hiện dưới các hình thức như logo, các dấu hiệu chữ, các dấu hiệu hình dùng để gắn lên các sản phẩm hay sử dụng dịch vụ mà doanh nghiệp đã, đang và sẽ sản xuất hoặc kinh doanh. Hay các phần mềm, các thiết kế sẽ được bảo hộ dưới hình thức quyền tác giả. Như vậy, vấn đề cơ bản là chúng ta cần nhận diện được các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ để có các cách thức và biện pháp bảo hộ, khai thác phù hợp.

Theo đó, doanh nghiệp cần xem xét một cách có hệ thống về các đối tượng sẽ được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ theo quy định của pháp luật Việt Nam, các biện pháp cần thiết để bảo hộ cũng như cách thức quản lý, khai thác và thực thi các quyền sở hữu trí tuệ. Trên cơ sở đó để tìm ra cách thức tốt nhất để sử dụng hệ thống sở hữu trí tuệ một cách có hiệu quả nhằm phục vụ cho việc phát triển sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp. Với tư cách là luật sư nội bộ của doanh nghiệp – chuyên tư vấn, đánh giá các vấn đề pháp lý cho hoạt động sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp, bạn cần lưu ý các vấn đề pháp lý có liên quan đến việc bảo vệ và khai thác các tài sản là đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp.

Một trong những nguyên tắc khi xác lập quyền sở hữu trí tuệ đó là nguyên tắc nộp đơn đầu tiên. Vì vậy, khi có bất kỳ một đối tượng sở hữu trí tuệ nào được tạo ra như sáng chế, kiểu dáng công nghiệp hay nhãn hiệu, cần phải tiến hành các thủ tục để nộp đơn các đối tượng này càng sớm càng tốt để đảm bảo được quyền ưu tiên về ngày nộp đơn sớm nhất. Ngoài ra, đối với các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm hay tạo ra quy trình dưới dạng các giải pháp kỹ thuật hay sản xuất các sản phẩm có chú trọng đến việc thiết kế mẫu mã, hình thức của sản phẩm, cần phải tính đến việc nộp đơn đăng ký sáng chế hoặc giải pháp hữu ích hoặc kiểu dáng công nghiệp sau khi hoàn thiện việc nghiên cứu. Việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ các đối tượng mang tính kỹ thuật này đòi hỏi về tính mới. Theo đó, các sản phẩm, quy trình hay mẫu mã của sản phẩm không được xuất hiện trên thị trường hay trưng bày tại một cuộc triển lãm hay quảng cáo dưới bất kỳ một hình thức nào trước thời điểm nộp đơn đăng ký xác lập quyền. Đây là một lưu ý hết sức quan trọng đối với việc đăng ký xác lập quyền đối với sáng chế và kiểu dáng công nghiệp

Còn đối với nhãn hiệu, mặc dù không đặt ra yêu cầu về tính mới nhưng việc nộp đơn nhãn hiệu càng sớm càng tốt ngay khi tạo ra và sử dụng nhãn hiệu sẽ đảm bảo được ngày nộp đơn sớm nhất đối với nhãn hiệu đó. Cần lưu ý, việc đăng ký sớm này sẽ giúp doanh nghiệp tránh các nguy cơ về việc từ chối đăng ký nhãn hiệu do có ngày nộp muộn hơn và các tranh chấp có thể phát sinh.

Việc đăng ký xác lập quyền sở hữu trí tuệ có ý nghĩa về mặt pháp lý và thực tiễn. Khi quyền sở hữu trí tuệ được xác lập dưới hình thức cấp Bằng độc quyền sáng chế hay Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp hay Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu thì bằng các văn bản đó Nhà nước đã công nhận quyền sở hữu của tổ chức hoặc cá nhân đối với các đối tượng đó, vì vậy, các quyền đó đã được pháp luật bảo vệ. Theo đó, chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ có quyền sử dụng, cho phép người khác sử dụng, ngăn cấm người khác sử dụng cũng như yêu cầu các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xử lý các tổ chức, cá nhân xâm phạm quyền được bảo hộ của mình

Như vậy, với việc đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại cơ quan Nhà nước, giá trị của các giải pháp kỹ thuật hay nhãn hiệu của doanh nghiệp sẽ được gia tăng, tạo uy tín, danh tiếng cho doanh nghiệp. Đây là một bằng chứng pháp lý quan trọng trong việc xử lý các tranh chấp phát sinh, đồng thời đó là một trong những tiền đề cho việc sản xuất, quảng bá sản phẩm cũng như trong việc tìm kiếm các cơ hội khai thác các quyền này dưới hình thức chuyển nhượng, chuyển quyền sử dụng (li xăng), nhượng quyền thương mại (franchising) hay góp vốn đầu tư…

Đối với doanh nghiệp sản xuất, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật trong việc tạo ra, sản xuất các sản phẩm mới, cần lưu ý đến các điều khoản trong hợp đồng lao động về việc tạo ra các đối tượng của quyền sở hữu trí tuệ trong quá trình lao động. Theo đó, những gì người lao động tạo ra trong quá trình lao động theo hợp đồng lao động đều thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp – là người sử dụng lao động. Doanh nghiệp sẽ có quyền sở hữu, sử dụng và định đoạt các đối tượng được tạo ra đó và sẽ có quyền nộp đơn đăng ký quyền sở hữu trí tuệ nếu các đối tượng đó đáp ứng các điều kiện bảo hộ của pháp luật về sở hữu công nghiệp. Đây là một thỏa thuận quan trọng giữa người lao động và doanh nghiệp đối với những gì được tạo ra trong quá trình lao động liên quan đến việc xác lập quyền sở hữu trí tuệ đối với các đối tượng được tạo ra đó

Một trong những nguyên tắc của quyền sở hữu trí tuệ đó là quyền sở hữu trí tuệ được bảo hộ theo lãnh thổ. Theo đó, nếu doanh nghiệp có dự định mở rộng kinh doanh hay xuất khẩu sản phẩm sang các quốc gia khác, luật sư nội bộ cần tư vấn cho doanh nghiệp việc đăng ký các quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp tại quốc gia mà doanh nghiệp có dự định đầu tư sản xuất kinh doanh. Việc đăng ký đó có thể thực hiện dưới hình thức đăng ký trực tiếp vào từng quốc gia cụ thể hoặc theo hệ thống đăng ký quốc tế do cơ quan sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) quản lý.

Tóm lại, luật sư nội bộ của doanh nghiệp cần giúp doanh nghiệp nhận thức đúng giá trị của quyền sở hữu trí tuệ đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Chỉ khi quyền sở hữu trí tuệ được bảo hộ về mặt pháp lý nó mới có thể thực sự trở thành một tài sản kinh doanh có giá trị của doanh nghiệp

Great! You’ve successfully signed up.

Welcome back! You've successfully signed in.

You've successfully subscribed to Tập San Luật sư Nội bộ.

Success! Check your email for magic link to sign-in.

Success! Your billing info has been updated.

Your billing was not updated.