Tổng quan về Chỉ số HHI và Phân tích từ Báo cáo Thường niên của Cục Quản lý Cạnh tranh (2021-2023)
1. Hiểu về HHI và Vai trò của nó trong Luật Cạnh tranh tại Việt Nam Chỉ số Herfindahl-Hirschman (HHI)
Luật Các tổ chức tín dụng mới
Ngày 18 tháng 1 năm 2024, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Các Tổ Chức Tín Dụng mới (Luật số 32/2024/QH15) ("Luật Mới").
Trong Luật Mới, tỷ lệ sở hữu tối đa của một cổ đông là tổ chức và cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó tại tổ chức tín dụng là công ty cổ phần đã được giảm xuống. Giới hạn sở hữu của cổ đông là cá nhân vẫn giữ nguyên là 5% vốn điều lệ, nhưng sở hữu của cổ đông là tổ chức giảm xuống 10% (so với 15% trong Luật hiện hành). Giới hạn sở hữu của cổ đông và người liên quan là 15% (so với 20% hiện tại). Quy định này được cho là sẽ hạn chế kiểm soát nội bộ và sở hữu chéo trong các tổ chức tín dụng, tăng cường minh bạch và tạo ra hệ thống tài chính an toàn hơn. Giới hạn và điều kiện sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài sẽ được Chính phủ quy định chi tiết trong thời gian tới.
Một điểm quan trọng khác là việc giảm dần tổng mức dư nợ cấp tín dụng mà các tổ chức tài chính được phép cho vay đối với một khách hàng hoặc một khách hàng và người liên quan của khách hàng đó. Việc cắt giảm được thực hiện theo từng giai đoạn bắt đầu từ ngày 1 tháng 7 năm 2024 và kết thúc vào ngày 1 tháng 1 năm 2029. Cụ thể, tổng mức dư nợ cấp tín dụng đối với một khách hàng sẽ giảm từ 15% vốn tự có xuống 10%, và đối với một khách hàng và người liên quan của khách hàng đó sẽ giảm từ 25% xuống 15%. Quy định này nhằm mục đích thúc đẩy ổn định thị trường và giảm thiểu rủi ro trong suốt quá trình cấp tín dụng.
Luật Mới cũng chi tiết về các cơ chế xử lý các khoản vay không thu hồi được (“NPLs”) và việc thực thi bảo đảm đối với NPLs. Để thu hồi nợ, các tổ chức tín dụng được quyền chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản là tài sản bảo đảm mà không phải áp dụng quy định về điều kiện chủ thể kinh doanh bất động sản đối với bên chuyển nhượng dự án bất động sản của Luật Kinh doanh bất động sản. Quy định này trao quyền cho các ngân hàng quản lý các dự án lớn, do đó tạo thuận lợi cho dòng tiền của các doanh nghiệp bất động sản và giảm thiểu nợ xấu.
Các quy định về thủ tục cấp phép theo Luật Mới này cũng có những thay đổi đáng kể. Theo Luật hiện hành, các tổ chức tín dụng phải nộp hồ sơ xin Giấy phép thành lập và hoạt động do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (“NHNN”) cấp. Sau khi được cấp Giấy phép thành lập và hoạt động, các tổ chức này phải nộp hồ sơ đăng ký doanh nghiệp tại Sở Kế hoạch và Đầu tư (“SKHĐT”). Tuy nhiên, theo Luật Mới, các tổ chức tín dụng không cần đăng ký với SKHĐT nữa, vì Giấy phép thành lập và hoạt động do NHNN cấp đồng thời có giá trị như Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Quy định hợp nhất này là một bước tiến lớn trong việc đơn giản hóa các thủ tục hành chính, phù hợp với chính sách tổng thể của Chính phủ với hiệu quả và tiết kiệm chi phí đáng kể, từ đó thúc đẩy môi trường đầu tư thuận lợi hơn.
Luật Mới cũng đặt ra các quy định mới nghiêm cấm các tổ chức tín dụng gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc với việc cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng. Việc thực hiện quy định này được cho là cần thiết để tăng cường giám sát chặt chẽ hơn hoạt động bán bảo hiểm và ngăn chặn các tổ chức tín dụng ép khách hàng mua bảo hiểm trái với nhu cầu của họ để đổi lấy việc vay vốn.
Luật Mới có hiệu lực từ ngày 1 tháng 7 năm 2024, với một số ngoại lệ liên quan đến việc chuyển nhượng tài sản bảo đảm là bất động sản có hiệu lực từ ngày 1 tháng 1 năm 2025.