Tổng quan về Chỉ số HHI và Phân tích từ Báo cáo Thường niên của Cục Quản lý Cạnh tranh (2021-2023)
1. Hiểu về HHI và Vai trò của nó trong Luật Cạnh tranh tại Việt Nam Chỉ số Herfindahl-Hirschman (HHI)
Tự do, tự nguyện cam kết, thỏa thuận là một trong các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự. Thỏa thuận không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội phải được các chủ thể khác tôn trọng và thực hiện. Do đó, các bên đương sự có thể hòa giải trong mọi giai đoạn tố tụng, kể cả thi hành án. Tuy nhiên, thỏa thuận trong thi hành án tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người được thi hành án, và Luật sư nội bộ của doanh nghiệp cần xác định được các rủi ro đó ngay từ những bước đầu tiên của thủ tục thi hành án dân sự nhằm hạn chế tối đa thiệt hại cho công ty trong quá trình thu hồi công nợ.
Quy định của pháp luật về thỏa thuận thi hành án
Điều 6 Luật Thi hành án dân sự 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014 (Luật Thi hành án dân sự) cho phép các đương sự tự do thỏa thuận về việc thi hành án nếu thỏa thuận này không vi phạm điều cấm của pháp luật và không trái đạo đức xã hội. Nội dung thỏa thuận có thể bao gồm phần nghĩa vụ được thi hành, phương thức thanh toán, xử lý tài sản, chuyển nhượng tài sản thông qua đấu giá, kê biên, giải chấp tài sản, v.v... Các bên hầu như có thể thỏa thuận về việc thi hành án bất kỳ lúc nào, từ lúc chưa yêu cầu thi hành án cho đến trong suốt thủ tục thi hành án, trừ khi tài sản đã được bán đấu giá thành hoặc bán cho đồng sở hữu hoặc người được thi hành án đã đồng ý nhận tài sản để trừ vào tiền thi hành án mà chưa giao được cho họ, thì việc thỏa thuận phải có sự đồng ý của những người này. Trường hợp cơ quan thi hành án dân sự đã ra quyết định thi hành án, các bên còn có thể yêu cầu chấp hành viên chứng kiến và ký tên vào văn bản thỏa thuận để tăng tính ràng buộc của thỏa thuận. Một điều đáng lưu ý là việc các bên tự nguyện thỏa thuận về việc thi hành án không phải là căn cứ để miễn, giảm phí thi hành án, và khả năng cao người được thi hành án vẫn phải thực hiện các nghĩa vụ tài chính với cơ quan thi hành án dân sự khi nhận được các khoản tiền do bên phải thi hành án thanh toán theo thỏa thuận.
Cũng theo Điều 6 Luật Thi hành án dân sự, nếu bên có nghĩa vụ thi hành án không thực hiện đúng thỏa thuận thì bên còn lại có quyền yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự thi hành phần nghĩa vụ chưa được thi hành theo nội dung bản án, quyết định. Trong khi đó, một trong những căn cứ đình chỉ thi hành án (một phần hoặc toàn bộ) là thỏa thuận bằng văn bản của đương sự. Một khi Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ban hành quyết định đình chỉ, đương sự không có quyền yêu cầu thi hành án trở lại đối với nội dung đã đình chỉ. Nói cách khác, một khi các bên đã thỏa thuận đình chỉ một phần hoặc toàn bộ thủ tục thi hành án, người được thi hành án sẽ mất quyền yêu cầu thi hành án trở lại đối với một phần hoặc toàn bộ vụ việc đó. Vì vậy, doanh nghiệp đang thu hồi công nợ thông qua thủ tục thi hành án cần cẩn trọng lưu ý về thời điểm yêu cầu đình chỉ thi hành án khi xác lập thỏa thuận với người phải thi hành án, tránh thủ tục thi hành án bị đình chỉ khi chưa thu hồi được toàn bộ số tiền theo bản án, quyết định.
Trên thực tế, khi đã đạt được thỏa thuận về việc thi hành bản án, quyết định, không ít các bên lựa chọn việc thực hiện thỏa thuận bên ngoài thủ tục thi hành án. Tức là, các bên sẽ ký kết văn bản thỏa thuận mà không có sự chứng kiến của chấp hành viên và người được thi hành án sẽ nộp đơn cho cơ quan thi hành án dân sự yêu cầu đình chỉ thủ tục thi hành án. Bằng cách này, người được thi hành án có thể không phải chịu phí thi hành án khi nhận được khoản thanh toán theo bản án, quyết định từ người phải thi hành án. Tuy nhiên, dù pháp luật không có quy định cụ thể như trường hợp thỏa thuận đình chỉ thi hành án nêu trên, khả năng cao là người được thi hành án cũng sẽ mất quyền được yêu cầu thi hành lại một khi quyết định đình chỉ đã được cơ quan thi hành án dân sự ban hành. Trong thực tiễn, khi người được thi hành án yêu cầu đình chỉ thủ tục thi hành án, chấp hành viên sẽ lập biên bản ghi nhận yêu cầu đó cùng lời khẳng định rằng người được thi hành án đã được chấp hành viên giải thích về việc mất quyền yêu cầu thi hành án lại khi yêu cầu đình chỉ thi hành án. Như vậy, một khi doanh nghiệp đã yêu cầu đình chỉ thi hành án, nhưng người phải thi hành án lại không tuân thủ thỏa thuận “ngoài” của các bên, rủi ro cao là doanh nghiệp sẽ mất hoàn toàn khả năng thu hồi khoản công nợ đó. Vì vậy, doanh nghiệp và đội ngũ pháp lý của mình cần phải cẩn trọng xem xét khả năng thanh toán và mức độ cam kết của người phải thi hành án trước khi xác lập bất kỳ thỏa thuận thi hành án nào, dù là trong hay ngoài thủ tục.
Rủi ro trong việc thỏa thuận thi hành án đến từ thủ tục phá sản
Bất kỳ thủ tục thi hành án nào, kể cả việc thỏa thuận thi hành án, đều có thể bị ảnh hưởng khi thủ tục phá sản đối với người phải thi hành án được kích hoạt. Cụ thể, theo Điều 41.1 Luật Phá sản 2014 (Luật Phá sản) và Điều 49.2 Luật Thi hành án dân sự, thủ tục thi hành án sẽ bị tạm đình chỉ khi tòa án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với người phải thi hành án. Nếu tòa án sau đó ra quyết định mở thủ tục phá sản, quá trình thi hành án sẽ bị đình chỉ và toàn bộ nghĩa vụ về tài sản của người phải thi hành án sẽ được giải quyết chung trong thủ tục phá sản. Điểm đáng lưu ý là người được thi hành án hoàn toàn không có khả năng kiểm soát việc chính người phải thi hành án hoặc bất kỳ chủ nợ thứ ba nào khác của người phải thi hành án có thể nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản bất kỳ lúc nào trong khi các bên đang thực hiện các thỏa thuận về thi hành án.
Nếu không có quyết định kê biên tài sản nào của người phải thi hành án trong quá trình thi hành án, khi vụ việc được chuyển sang thủ tục phá sản, người được thi hành án sẽ được thanh toán như một chủ nợ không có bảo đảm. Trong khi đó, căn cứ Điều 53 và 54 Luật Phá sản, chủ nợ không có bảo đảm nằm ở nhóm sau cùng trong thứ tự phân chia tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán. Về bản chất, quy định này nhằm đảm bảo sự công bằng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích của các chủ nợ khi một doanh nghiệp không còn khả năng thanh toán toàn bộ các khoản nợ, bằng cách tạo ra một quá trình phân chia tài sản đồng đều giữa các chủ nợ. Tuy nhiên, từ góc độ của người được thi hành án, quy định này có thể được coi là một bất lợi, vì nó giới hạn lợi ích của người được thi hành án đáng lẽ được hưởng nếu quá trình thi hành án tiếp diễn.
Để tránh rủi ro trên, doanh nghiệp là người được thi hành nên yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự kê biên một số tài sản của người phải thi hành án trong quá trình xác lập và thực hiện các thỏa thuận về thi hành án. Vì nếu thủ tục phá sản diễn ra, người được thi hành án sẽ được thanh toán như một chủ nợ có bảo đảm, và khả năng cao tài sản bị kê biên sẽ được sử dụng để thanh toán cho nghĩa vụ của người phải thi hành án đối với người được thi hành án theo bản án, quyết định.
Ở một chiều hướng khác, trong trường hợp các bên thỏa thuận về việc thực hiện nghĩa vụ theo bản án, quyết định “ngoài” thủ tục thi hành án như đã đề cập ở trên, thỏa thuận của các bên sẽ không đương nhiên bị tạm đình chỉ/đình chỉ khi tòa án có thẩm quyền thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản hoặc ban hành quyết định mở thủ tục phá sản. Theo Điều 61 Luật Phá sản, một hợp đồng đang có hiệu lực chỉ bị tạm đình chỉ/đình chỉ khi có yêu cầu của chủ nợ hoặc chính doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán và tòa án xét thấy việc thực hiện hợp đồng đó có khả năng gây bất lợi cho doanh nghiệp, hợp tác xã. Như vậy, thỏa thuận “ngoài” thi hành án vẫn có thể được tiếp tục thực hiện ngay cả khi thủ tục phá sản được tiến hành đối với người phải thi hành án. Tuy nhiên, giải pháp này chỉ nên được xem xét khi doanh nghiệp nắm rõ tính cam kết của người phải thi hành án và có các biện pháp bảo đảm khác.
Kết: Thỏa thuận về việc thi hành án là một giải pháp luôn được khuyến khích thực hiện giữa các bên để nhanh chóng giải quyết vụ việc, tiết kiệm thời gian, công sức, và chi phí cho các bên liên quan. Tuy nhiên, doanh nghiệp, với tư cách là người được thi hành án, cần phải nhận thức rõ ràng các rủi ro có thể xảy đến trong quá trình xác lập và thực hiện các thỏa thuận với người phải thi hành án, dù là trong hay ngoài thủ tục thi hành án, để có thể lựa chọn phương án tối ưu và bảo vệ mình khỏi các nguy cơ tiềm ẩn đó.