Tổng quan về Chỉ số HHI và Phân tích từ Báo cáo Thường niên của Cục Quản lý Cạnh tranh (2021-2023)
1. Hiểu về HHI và Vai trò của nó trong Luật Cạnh tranh tại Việt Nam Chỉ số Herfindahl-Hirschman (HHI)
Sau hàng chục năm đổi mới, thành tựu trong cải cách tư pháp và hội nhập quốc tế đã có những tác động tích cực đến việc phát triển nghề Luật sư tại Việt Nam. Điều này góp phần mở ra nhiều cơ hội cho các luật sư trong nước định hướng hoạt động hành nghề của mình đa dạng hơn, tối ưu hoá sự phát triển kỹ năng hành nghề luật. Tuỳ vào định hướng cá nhân, Luật sư có thể lựa chọn hành nghề theo hai hình thức là hành nghề trong tổ chức hành nghề luật sư (gọi chung là Luật sư tại tổ chức hành nghề Luật sư), và hành nghề với tư cách cá nhân theo hợp đồng lao động cho cơ quan, tổ chức không phải là tổ chức hành nghề luật sư, (gọi chung là Luật sư nội bộ). Hiện nay, xu hướng các luật sư sau khi hành nghề tại tổ chức hành nghề Luật sư một thời gian chuyển sang làm Luật sư nội bộ khá phổ biến.
Động lực chuyển hướng
Có nhiều lý do để một Luật sư quyết định chuyển hướng sang làm Luật sư nội bộ. Có thể kể đến việc sự chuyển hướng này có thể thoả mãn nhu cầu được thay đổi môi trường làm việc, khám phá nghề luật dưới một vai trò mới mà tại đó, một Luật sư nội bộ sẽ trực tiếp phục vụ cho một khách hàng duy nhất là doanh nghiệp của mình, và tư vấn của Luật sư là một phần không thể thiếu trong quy trình đưa ra quyết định của doanh nghiệp.
Ngoài ra, công việc tại nội bộ doanh nghiệp mang lại cho Luật sư cơ hội được tiếp cận và chuyên môn hoá kiến thức của mình trong một hoặc một số lĩnh vực, ngành nghề cụ thể. Cần chú ý rằng công việc của một Luật sư nội bộ vẫn đòi hỏi chuyên môn và kỹ năng ở nhiều lĩnh vực khác nhau, gắn liền với doanh nghiệp đó; tuy nhiên, việc luật sư nội bộ có cơ hội nhận yêu cầu tư vấn từ nhiều phòng ban sẽ giúp Luật sư hiểu rõ hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, các quy định pháp luật chuyên ngành, cũng như các khó khăn và rủi ro tiềm ẩn mà doanh nghiệp đang hoặc sẽ gặp phải.
Thách thức và các kỹ năng nghề nghiệp cần thiết
Bên cạnh động lực chuyển hướng nghề nghiệp mà bạn đang cân nhắc, sẽ tốt hơn nếu bạn nắm rõ các thách thức cũng như trang bị kỹ năng nghề nghiệp cần thiết để thích ứng với môi trường và tính chất của một Luật sư nội bộ.
Đầu tiên, thách thức thường gặp nhất chính là kỹ năng phối hợp với các phòng ban, bộ phận khác trong doanh nghiệp. Khác với tổ chức hành nghề Luật sư nơi Luật sư đóng vai trò là bộ phận tạo ra thu nhập chính của tổ chức, tại doanh nghiệp khác, Luật sư nội bộ đóng vai trò phòng ngừa rủi ro và hỗ trợ hoạt động kinh doanh chính của doanh nghiệp. Môi trường này không những đòi hỏi Luật sư nhanh chóng nhận diện đúng các vấn đề pháp lý, mà còn phải có khả năng làm việc, thuyết phục các phòng ban khác của doanh nghiệp để đưa ra được những giải pháp thiết thực, giảm thiểu rủi ro tối đa.
Sẽ không tránh khỏi việc xảy ra bất đồng ý kiến giữa Luật sư nội bộ và các phòng ban khác. Trong một số trường hợp, việc không tìm được tiếng nói chung này có thể gây trì hoãn quá trình ra quyết định của doanh nghiệp, thậm chí đánh mất cơ hội kinh doanh. Chính vì thế, một Luật sư nội bộ cần biết cân bằng lợi ích của doanh nghiệp và vận dụng một cách linh hoạt các quy định của pháp luật trong khả năng cho phép, cần có khả năng đàm phán, cũng như liên tục trau dồi các kỹ năng mềm nhằm đảm bảo đưa ra ý kiến tư vấn hiệu quả mà vẫn duy trì một mối quan hệ tích cực trong công việc với các phòng ban khác.
Thứ hai, doanh nghiệp đòi hỏi ở Luật sư nội bộ nhiều hơn việc chỉ đưa ra các trích dẫn quy định pháp luật. Tại các doanh nghiệp có quy mô lớn, ngoài bộ phận pháp chế của Luật sư nội bộ, doanh nghiệp có thể bố trí bộ phận Compliance, Regulatory Affairs, nơi cung cấp cho họ các quy định pháp luật hay quy định nội bộ bất kỳ lúc nào, chưa kể đến các quản lý cấp cao của doanh nghiệp có thể là những người nắm được quy định pháp luật và thực tiễn áp dụng trong lĩnh vực của họ. Điều này đồng nghĩa với việc doanh nghiệp mong đợi ở Luật sư nội bộ không chỉ là kiến thức pháp lý liên quan đến hoạt động kinh doanh của họ. Việc chọn lọc và tiếp thu kiến thức một cách đa dạng từ đồng nghiệp, các khoá đào tạo chuyên sâu, hay các vụ việc thực tiễn tại doanh nghiệp giúp làm giàu kiến thức của Luật sư nội bộ. Điều quan trọng là cần hiểu được vấn đề của doanh nghiệp và có những giải pháp phù hợp để giải quyết vấn đề hiệu quả.
Thứ ba, sẵn sàng đối mặt với áp lực lớn hơn về trách nhiệm khi có rủi ro pháp lý trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Doanh nghiệp đặt nhiều kỳ vọng hơn vào khả năng nhận diện rủi ro pháp lý của Luật sư nội bộ, qua đó vô hình trung tạo áp lực lớn lên đội ngũ Luật sư. Đôi khi, Luật sư nội bộ sẽ bắt gặp các băn khoăn đi kèm với yêu cầu Luật sư đưa ra khẳng định “có/ không”. Trong những trường hợp này, điều cần thiết là xác định đúng phạm vi công việc, phạm vi trách nhiệm trong vụ việc để đưa ra được cách xử lý khéo léo và hợp lý nhất, thẳng thắn đưa ra quan điểm và biết từ chối khi cần thiết nếu như yêu cầu đó vượt quá phạm vi trách nhiệm hay vi phạm các chuẩn mực đạo đức của nghề luật.
Quyết định chuyển hướng sang Luật sư nội bộ doanh nghiệp là bước chuyển mình lớn trong sự nghiệp. Hành nghề luật sư nói chung và trở thành Luật sư nội bộ nói riêng đều đòi hỏi ở mỗi người sự tỉ mỉ, cố gắng, và nỗ lực không ngừng. Tác giả tin rằng với thái độ lạc quan và khiêm tốn trên hành trình làm nghề, ai cũng sẽ đạt được thành tựu cho riêng mình. Hy vọng rằng bài viết sẽ mang lại những thông tin hữu ích cho người đọc đang hoặc đã có kế hoạch chuyển đổi trong định hướng nghề nghiệp của mình.