Tổng quan về Chỉ số HHI và Phân tích từ Báo cáo Thường niên của Cục Quản lý Cạnh tranh (2021-2023)
1. Hiểu về HHI và Vai trò của nó trong Luật Cạnh tranh tại Việt Nam Chỉ số Herfindahl-Hirschman (HHI)
1. Bối cảnh và vấn đề thi hành án dân sự
1.1. Bối cảnh
Theo Báo Tuổi Trẻ đưa tin ngày 02/8/2024, ông Trần Quốc Tân, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, người nắm giữ 80% cổ phần (“Ông Tân”) Công ty Cổ phần Tân Tân (“Tân Tân”) và em trai của ông là Trần Quốc Tuấn, người nắm giữ 10% cổ phần (“Ông Tuấn”) của Tân Tân, đều bị Viện Kiểm sát Nhân dân (“Viện Kiểm sát”) Thành phố Dĩ An, Tỉnh Bình Dương ban hành cáo trạng để truy tố về tội “không chấp hành bản án”.
Liên quan đến vụ việc, vào năm 2011, Ông Tân chuyển nhượng cho một phụ nữ tại TP. HCM hơn 45,8% cổ phần của Tân Tân và Tân Tân đã cấp giấy chứng nhận sở hữu cổ phần cho người này. Năm 2018, Tòa án Nhân dân (“Tòa án”) Tỉnh Bình Dương buộc các thành viên Hội đồng Quản trị của Tân Tân phải họp đại hội cổ đông bất thường để bầu lại thành viên hội đồng quản trị, trong đó, buộc Tân Tân phải cho nữ cổ đông trên được xem xét, trích lục biên bản, nghị quyết của hội đồng quản trị, báo cáo tài chính của Tân Tân.
Tuy vậy, Ông Tân với vai trò là chủ tịch hội đồng quản trị và Ông Tuấn, là thành viên, đã không chấp hành bản án này. Do vậy, vào ngày 09/4/2021, Cục Thi hành án Dân sự tỉnh Bình Dương đã có công văn kiến nghị cơ quan điều tra khởi tố Ông Tân, Ông Tuấn và vợ Ông Tân là bà Châu Thị Phụng về hành vi không chấp hành án. Viện Kiểm sát Thành phố Dĩ An đã ban hành cáo trạng để truy tố Ông Tân và Ông Tuấn theo Điều 380, Bộ luật Hình sự 2015[1].
1.2. Vấn đề thi hành án dân sự
a. Quy định pháp luật về việc thi hành án dân sự
Hiện nay trong Luật thi hành án dân sự 2008, sửa đổi, bổ sung năm 2014 (“Luật THADS”) đã có những quy định tương đối cụ thể liên quan đến trách nhiệm thi hành án, thời hạn thi hành án, căn cứ cưỡng chế thi hành án và các biện pháp cưỡng chế thi hành án.
Về trách nhiệm thi hành án:
· Điều 4 quy định rằng các cơ quan, tổ chức, và cá nhân phải tôn trọng và chấp hành bản án, đồng thời chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu không thực hiện đúng nghĩa vụ này.
· Điều 5 bổ sung thêm, nhấn mạnh rằng quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự và người liên quan được bảo vệ trong suốt quá trình thi hành án, tạo ra một cơ chế bảo vệ toàn diện cho các bên trong việc thực hiện các phán quyết của tòa án.
· Điều 6 cho phép các đương sự thỏa thuận về việc thi hành án, mang lại sự linh hoạt trong quá trình này, đồng thời đảm bảo rằng các nghĩa vụ chưa được thực hiện vẫn phải được thi hành bởi cơ quan thi hành án dân sự.
Về căn cứ cưỡng chế thi hành án:
· Điều 70 quy định rằng việc cưỡng chế phải dựa trên các bản án, quyết định thi hành án, và quyết định cưỡng chế thi hành án. Căn cứ này đảm bảo rằng chỉ khi có cơ sở pháp lý rõ ràng và hợp lý, việc cưỡng chế mới được tiến hành, giúp tránh tình trạng lạm dụng quyền lực trong quá trình cưỡng chế.
· Cuối cùng, các biện pháp cưỡng chế thi hành án được quy định tại Điều 71 bao gồm một loạt các biện pháp như khấu trừ tiền trong tài khoản, trừ vào thu nhập, kê biên tài sản, khai thác tài sản, buộc chuyển giao vật và quyền tài sản, hoặc buộc người phải thi hành án thực hiện hoặc không thực hiện một công việc nhất định. Những biện pháp này nhằm mục đích đảm bảo rằng bản án được thực thi một cách hiệu quả, đồng thời tạo ra áp lực cần thiết để người phải thi hành án buộc phải tuân thủ quyết định của tòa án.
b. Thực tiễn việc tuân thủ, thực hiện các nội dung theo bản án
Mặc dù pháp luật về thi hành án đang ngày càng được hoàn thiện, tuy nhiên trên thực tế, việc các bên trong một vụ án dân sự tìm cách trốn tránh, trì hoãn việc thi hành án vẫn diễn ra.
Theo số liệu báo cáo thống kê hàng năm của Tổng Cục Thi hành án Dân sự, kết quả tổ chức thi hành án của 63 cơ quan thi hành án dân sự địa phương trong 05 năm từ năm 2017 đến năm 2021, các cơ quan thi hành án dân sự đã thi hành xong gần 2,8 triệu việc, thu được số tiền trên 221.000 tỷ đồng. Trong đó, các cơ quan thi hành án dân sự đã nỗ lực thi hành xong 70.300 việc về kinh doanh, thương mại, thu được tổng số tiền trên 56.166 tỷ đồng. Tuy nhiên, các con số này chỉ chiếm 2,53% tổng số việc của toàn hệ thống trong 05 năm[2].
Một trong những lý do cho tỷ lệ thi hành án thấp như thế, bên cạnh thực tế là các văn bản pháp luật chưa có các quy định cụ thể và còn nhiều vướng mắc khi thực thi, thì nguyên do còn đến từ tính chất phức tạp của các quan hệ dân sự, đặc biệt là các quan hệ về kinh doanh thương mại có giá trị lớn.
Mặt khác, bối cảnh kinh tế cũng góp phần không nhỏ làm cho việc thi hành án trở nên thách thức. Nền kinh tế gặp khó khăn khiến cho tính thanh khoản của các tài sản trên thị trường xuống thấp là nguyên nhân trực tiếp ảnh hưởng đến việc thi hành án của các vụ án kinh doanh thương mại nói riêng và dân sự nói chung.
Năng lực làm việc của công chức thi hành án dân sự còn hạn chế, công tác cải cách hành chính chưa được cải thiện hiệu quả cũng là các lý do góp phần làm giảm hiệu quả của quá trình thi hành án[3].
Một cách rõ ràng có thể dễ nhận ra đó là các lý do trên chủ yếu là các lý do khách quan và sâu xa tác động đến quá trình thi hành án. Lý do trực tiếp, chủ quan cho vấn đề thi hành án mặc dù không được Tổng cục Thi hành án Dân sự báo cáo, tuy nhiên, nhìn vào thực tế, có thể suy luận rằng, có lẽ chính vì vấn đề thanh khoản của tài sản trên thị trường, người bị thi hành án có xu hướng kéo dài thời gian thi hành án để tài sản khi bị thi hành có thể mang lại giá trị cao hơn, thậm chí mang lại thêm chút nguồn lợi cho họ. Dưới góc nhìn khác, việc không tuân thủ có thể chỉ đơn giản đến từ việc người bị thi hành án không muốn vì lẽ các cơ sở pháp lý chưa đủ sức răn đe.
2. Sự ảnh hưởng đến từ quyết định khởi tố của Viện Kiểm sát
Mặc dù vụ việc ở trên mới chỉ đang dừng lại ở giai đoạn truy tố, tuy vậy, việc các cá nhân không tuân thủ bản án của một Tòa án dân sự để rồi bị truy tố hình sự, là việc không thường thấy hàng ngày.
Thông thường, để thực thi một bản án dân sự, việc thường làm chính là các bên tự nguyện thực thi bản án đó. Trường hợp bên bị thi hành án không tự nguyện thì bên được thi hành án có thể yêu cầu cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền cưỡng chế thi hành bản án đã có hiệu lực.
Tuy nhiên, quá trình thi hành án này thường tốn nhiều thời gian, công sức và tiền bạc để đi xác minh các tài sản còn lại của bên bị thi hành án. Đó là còn chưa kể thực tế bên bị thi hành án có thể còn tìm cách tẩu tán tài sản. Do vậy, giai đoạn thi hành án thường bị đánh giá là có tính hiệu quả không cao. Vì lẽ đó, khi có tranh chấp dân sự ở nghĩa rộng, bao gồm cả các tranh chấp về kinh doanh thương mại, các bên thường cân đo đong đếm và cân nhắc khá nhiều về việc liệu có nên đưa tranh chấp ra tòa án hay không.
Nếu việc truy tố này của Viện Kiểm sát Thành phố Dĩ An trong trường hợp này được chấp nhận từ Tòa án, điều này có thể tạo nên một cơ chế pháp lý “mới” để việc thực thi bản án dân sự trở nên hiệu quả hơn và công lý có thể được đảm bảo tốt hơn cho các bên. Khi đó, bên bị thi hành án buộc phải tự nguyện và thiện chí hơn trong việc thi hành nếu không muốn phải đối mặt với một chế định pháp luật nặng nề như trách nhiệm hình sự.
Một lẽ dĩ nhiên, đó là Điều 380 Bộ luật Hình sự 2015 vốn dĩ không phải là một điều luật mới. Từ Bộ luật Hình sự 1999 đã có Điều 304 về “Tội không chấp hành án”. Thực tiễn pháp luật cho thấy là dường như các cơ quan tư pháp hiếm khi sử dụng điều khoản này với ý nghĩa ràng buộc các bên trong quan hệ dân sự phải tuân thủ bản án của Tòa án. Do đó, việc Tòa án có đồng ý với cáo trạng này của Viện Kiểm sát sẽ mang lại nhiều ý nghĩa quan trọng trong việc tạo ra hành lang pháp lý để đảm bảo việc tuân thủ và thực thi bản án dân sự đã có hiệu lực.
2.1. Khả năng ảnh hưởng tích cực đối với việc thực thi bản án dân sự
Trong thực tế, án dân sự thường không có tính răn đe mạnh mẽ với các bên liên quan do thường chỉ giới hạn ở việc yêu cầu bồi thường hoặc khắc phục những tổn hại. Tuy nhiên, khi vấn đề này được giải quyết theo hướng hình sự, nó sẽ có một tính chất hoàn toàn khác biệt. Việc áp dụng một hình phạt nghiêm khắc đối với việc không tuân thủ bản án không chỉ làm gia tăng sức ép lên các bên, mà còn buộc họ suy tính kỹ lưỡng hơn về những hậu quả của việc không tuân thủ pháp luật này.
Khi đối mặt với án phạt hình sự, người có trách nhiệm thi hành án không thể xem nhẹ việc không tuân thủ nghĩa vụ của mình. Nếu họ không tuân thủ phán quyết của tòa án, hậu quả nghiêm trọng hơn có thể xảy ra và điều này sẽ giúp họ suy nghĩ kỹ lưỡng hơn khi đưa ra quyết định về việc có nên tuân thủ bản án một cách đầy đủ và chuẩn mực hay không. Trách nhiệm hình sự lớn hơn vấn đề về trách nhiệm bồi thường thiệt hại, nó đặt ra những nguy cơ về một hình phạt tù cho những người không tuân thủ bản án dân sự. Áp lực này, khi đó, sẽ đặt ra một sức ép khổng lồ cho người bị buộc phải thi hành, khiến họ buộc phải tuân thủ bản án khi nó đã có hiệu lực, vì rõ ràng việc thanh toán một khoản phạt hay chuyển giao tài sản, nói chung là thực hiện một nghĩa vụ dân sự, vẫn là nhẹ nhàng hơn so với hình phạt tù.
Thêm vào đó, khi biết rằng việc cố tình trì hoãn thi hành án có thể dẫn đến truy cứu trách nhiệm hình sự, người bị thi hành án sẽ khó có thể duy trì chiến thuật kéo dài thời gian hoặc tìm cách trốn tránh trách nhiệm. Khả năng họ cố tình trì hoãn sẽ giảm đi đáng kể, bởi nguy cơ phải chịu hình phạt hình sự là một đe dọa quá lớn để họ có thể đánh đổi. Việc này không chỉ giúp đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật mà còn giúp bảo vệ quyền lợi chính đáng của bên được thi hành án, đảm bảo rằng phán quyết của tòa án được thực thi một cách nhanh chóng và hiệu quả.
2.2. Hệ lụy có thể có đối với việc thực thi bản án dân sự
Mặc dù việc truy tố hình sự các vấn đề dân sự có thể trở thành một giải pháp hữu hiệu nhằm giảm thiểu tối đa việc trốn tránh nghĩa vụ thực thi bản án dân sự đã có hiệu lực, tuy nhiên, nhìn nhận trên thực tế, việc áp dụng hình phạt của luật hình, cụ thể là Điều 380 BLHS, cần phải được cân nhắc kỹ lưỡng để tránh bị lạm dụng.
Thứ nhất, việc truy tố hình sự cần dựa trên các yếu tố và bằng chứng cụ thể, các dấu hiệu hình sự rõ ràng để tránh hình sự hóa một cách tràn lan các vấn đề dân sự, dẫn đến việc bị lạm dụng. Việc lạm dụng và hình sự hóa các vấn đề dân sự một cách thái quá có thể dẫn đến tình trạng làm mất đi khả năng phòng ngừa và dự đoán pháp lý. Đó là còn chưa kể, nếu hình sự hóa tràn lan, dẫn tới bị lạm dụng, thay vì tự nguyện hoặc nghĩ cách thực thi trách nhiệm dân sự cho bên được thi hành án, bên bị thi hành án có thể vì áp lực nghĩa vụ dân sự kèm trách nhiệm hình sự quá lớn mà có thể sẽ chọn giải pháp tiêu cực là từ bỏ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Khi đó, về lâu dài, hệ quả của việc này có thể sẽ là khiến cho các hoạt động dân sự không còn được sôi động và kích thích sự phát triển của đất nước theo cách hài hòa và ổn định.
Thứ hai, truy tố hình sự việc trốn tránh thi hành án có thể giúp việc tuân thủ bản án của tòa án. Tuy vậy, cần có cơ chế hữu hiệu để ngăn ngừa và phòng tránh việc các bên bị thi hành án lựa chọn hình sự như một giải pháp để né tránh các nghĩa vụ dân sự theo bản án. Ví dụ thay vì lựa chọn thi hành bản án dân sự bằng việc thực hiện nghĩa vụ cho bên được thi hành án, bên bị thi hành án lại lựa chọn hình sự như một cách trốn tránh trách nhiệm dân sự mà đáng lẽ họ buộc phải tuân thủ. Lúc này, việc cần thiết xem hình sự là một hình phạt bổ sung bên cạnh nghĩa vụ dân sự có thể là một giải pháp cần phải cân nhắc.
3. Chế tài không tuân thủ bản án dân sự trong pháp luật một số nước
Việc sử dụng luật hình cho việc không thi hành bản án dân sự vốn dĩ không phải là điều mới lạ. Một số quốc gia đã có các điều khoản này và thực hiện nó rất thường xuyên. Ví dụ:
● Pháp luật Hoa Kỳ có ghi nhận tại Quy tắc 70 thuộc Quy tắc Liên bang về Tố tụng Dân sự rằng, bên cạnh các vấn đề khác, tòa án hoàn toàn có quyền xem bên không tuân thủ các lệnh từ tòa án là một hành động khinh thường tòa (contempt). Theo 18 U.S. Code § 401 - Power of court, việc không tuân thủ này có thể dẫn tới việc bên coi thường có thể bị phạt tiền, phạt tù hoặc cả hai[4].
● Pháp luật Vương quốc Anh cũng có quy định khá tương đồng khi người không tuân thủ các lệnh từ tòa án có thể bị phạt tiền, phạt tù đến 2 năm hoặc cả hai đồng thời[5].
● Pháp luật Canada cũng có tinh thần tương tự. Khi một phán quyết bị xem là phải thực thi mà một bên từ chối tuân thủ thì hành vi này có thể bị xem là khinh miệt tòa án. Khi đó, việc khinh miệt tòa án có thể đối diện phạt tiền hoặc phạt tù nếu hành vi khinh miệt tiếp tục diễn ra[6].
● Tại Pháp, việc không tuân thủ lệnh thi hành án dân sự có thể bị coi là hành vi phạm tội và bị truy tố hình sự dựa trên các cơ sở pháp lý rõ ràng. Theo Bộ luật Hình sự Pháp (Code pénal), các hành vi cố tình không tuân thủ lệnh của tòa án có thể cấu thành tội khinh thường tòa án (contempt of court) và bị xử lý bằng các biện pháp hình sự. Cụ thể, Điều 434-41 của Bộ luật Hình sự quy định rằng việc không tuân thủ lệnh tòa án có thể bị phạt tù lên đến hai năm và phạt tiền lên đến 30.000 euro[7].
● Ấn Độ có những quy định cụ thể về việc xử lý hình sự đối với hành vi không tuân thủ lệnh thi hành án dân sự, đặc biệt là trong các vấn đề liên quan đến trợ cấp và tài sản, được đề cập trong một số luật dân sự và hình sự. Theo Contempt of Courts Act, 1971, Điều 2(b) định nghĩa khinh thường tòa án bao gồm cả "civil contempt" (khinh thường dân sự), tức là việc cố ý không tuân thủ lệnh hoặc quyết định của tòa án dân sự, và hành vi này có thể bị xử lý bằng hình phạt tù hoặc phạt tiền tùy theo mức độ nghiêm trọng[8]. Theo Indian Penal Code (IPC), 1860, Điều 174 quy định rằng người cố tình không tuân thủ lệnh triệu tập hoặc không thực hiện nghĩa vụ do tòa án yêu cầu có thể bị phạt tù đến sáu tháng hoặc phạt tiền, hoặc cả hai, và điều này cũng áp dụng cho các trường hợp không tuân thủ lệnh thi hành án dân sự[9].
4. Giải pháp và đề xuất trên cơ sở thực tiễn để xử lý vấn đề thi hành án dân sự
Từ những phân tích nêu trên, chúng tôi đưa ra các giải pháp và đề xuất trên cơ sở thực tiễn để xử lý vấn đề thi hành án dân sự dưới góc độ trách nhiệm hình sự như sau:
Một là, cần có quy định rõ ràng hơn về trách nhiệm của cơ quan nhà nước trong thủ tục giám sát thi hành án. Trong vụ án vừa nêu trên, mặc dù bản án đã có từ năm 2018 nhưng đến tận năm 2024, Viện Kiểm Sát mới tiến hành truy tố các bị can về tội không chấp hành án. Vấn đề có thể nằm ở việc các cơ quan nhà nước đã không kịp thời nắm bắt được tình hình thi hành án. Do đó, cần thiết phải bổ sung các quy định cụ thể hơn về trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong việc giám sát thi hành án, hoặc phải quy định về một cơ chế báo cáo của chấp hành viên với kiểm sát viên khi nhận thấy có dấu hiệu trốn thi hành án hoặc cố ý trì hoãn việc thi hành án. Trường hợp trong khả năng cho phép, giải pháp về việc tạo ra một cơ chế kiểm tra định kỳ tình hình thi hành án đối với các bản án đã có hiệu lực có thể cũng là thứ cần phải cân nhắc.
Hai là, nâng mức xử lý hành chính về việc không chấp hành bản án đã có hiệu lực. Đồng thời, vấn đề tạo nên cơ chế cảnh báo sớm để người không tuân thủ nhận thức được trách nhiệm hình sự cũng là việc cần xem xét và cân nhắc. Điều này không những giúp tạo nên một cơ chế hữu hiệu trong việc phòng và ngăn chặn các hành vi trốn tránh thi hành án dân sự, mặt khác, nó cũng góp phần tránh được việc lạm dụng hình phạt hình sự cho các quan hệ dân sự.
Các giải pháp trên cần được cụ thể hóa trong các văn bản hướng dẫn như Nghị định, Thông tư và các quy định liên quan như thế cũng cần phải được thông tin, tuyên truyền rộng rãi để mọi người dân, tổ chức đều có thể nắm vững được. Theo đó, một hướng đi khả dĩ mà cơ quan nhà nước có thể cân nhắc trong quá trình soạn thảo các quy định chính là làm chi tiết từng loại hành vi không tuân thủ bản án, mức độ vi phạm, mức độ nghiêm trọng liên quan để từ đó tạo ra hành lang pháp lý rõ ràng. Việc làm rõ ràng như thế vừa giúp đảm bảo việc tuân thủ tốt hơn, vừa giúp hạn chế lạm dụng luật hình cho các vấn đề dân sự để tránh bỏ lọt tội phạm hay gây ra oan sai.
5. Kết luận
Thông thường, các vụ việc dân sự và hình sự thường tách biệt nhau. Việc một bên không tuân thủ bản án dân sự dẫn tới nguy cơ về hình sự, vì thế, lại trở thành điều mới mẻ với pháp luật Việt Nam mặc dù cơ sở pháp lý đã tồn tại từ rất lâu.
Một cách rõ ràng đó là dù các quy định về vấn đề này không mới mà đã tồn tại từ rất sớm, nhưng nếu Tòa án đồng ý với cáo trạng của Viện Kiểm sát, điều này có thể trở thành một bước ngoặt cho nền tư pháp Việt Nam giúp tạo thêm một giải pháp, thậm chí là một lựa chọn pháp lý mới, để đảm bảo tính tuân thủ bản án dân sự đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án. Những hệ luỵ xung quanh việc áp dụng những nội dung có tính mới, đột phá là khó tránh khỏi và cần có thời gian để sửa đổi, bổ sung nhưng việc dũng cảm, tiên phong đưa quy định đã có vào thực tiễn, có lợi cho việc thực thi pháp luật là điều đáng ghi nhận, khích lệ.
[1] Bá Sơn, ‘Hai Anh Em Chủ Tịch Công Ty Tân Tân Bị Truy Tố Vì Không Chấp Hành Bản Án’ Tuoitreonline (02/8/2024) <Hai anh em chủ tịch công ty Tân Tân bị truy tố vì không chấp hành bản án> truy cập ngày 09/9/2024; Xem thêm Kiến Tường, ‘Chủ Tịch Hđqt Công Ty Tân Tân Bị Truy Tố Vì Không Chấp Hành Bản Án’ VnExpress (02/8/2024) <Chủ tịch HĐQT Công ty Tân Tân bị truy tố vì không chấp hành bản án - Báo VnExpress> truy cập ngày 09/9/2024
[2] Phạm Thị Hiền, ‘Thực Trạng Công Tác Thi Hành Bản Án, Quyết Định Kinh Doanh, Thương Mại Mà Bên Phải Thi Hành Án Là Doanh Nghiệp Trong Giai Đoạn Hiện Nay’ Cổng thông tin điện tử Tổng cục THADS (20/9/2023) <Thực trạng công tác thi hành bản án, quyết định kinh doanh, thương mại mà bên phải thi hành án là Doanh nghiệp trong giai đoạn hiện nay> truy cập ngày 09/9/2024
[3] Nđd.
[4] Cornell Law School, ‘Contempt of Court’ <contempt of court | Wex | US Law | LII / Legal Information Institute (cornell.edu)> truy cập ngày 09/9/2024
[5] GOV.UK, ‘Contempt of Court’ <Contempt of court - GOV.UK (www.gov.uk)> truy cập ngày 09/9/2024
[6] JuridiQC, ‘Contempt of Court: When Someone Refuses to Comply with A Judgment’ <Contempt of court: When someone refuses to comply with a judgment (gouv.qc.ca)> truy cập ngày 09/9/2024
[7] Code Pénal, Điều 434-41 <Code pénal (Mise à jour du 2024-07-27) (droit.org)> truy cập ngày 09/9/2024
[8] The Contempt of Court Act 1971, Điều 2(b) <https://www.indiacode.nic.in/bitstream/123456789/1514/1/197170.pdf> truy cập ngày 09/9/2024
[9] The Indian Penal Code 1860, Điều 174 <The Indian Penal Code> truy cập ngày 09/9/2024
Theo Khoa Lê
Luật sư Cộng sự Cao cấp - Dentons Luật Việt