Tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh – Dự thảo có gì cần lưu ý?

Tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh – Dự thảo có gì cần lưu ý?
Photo by Kafui Yevu / Unsplash

Theo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2022, Dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) dự kiến sẽ được thông qua tại kỳ họp thứ 5 vào tháng 5 và tháng 6 năm nay. Qua nhiều lần thảo luận, tiếp thu và chỉnh l‎ý, dự thảo phiên bản 6.7 ngày 21/02/2023 (dự thảo) đã được công bố với nhiều điểm tiến bộ hơn so với Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng 2010 (sửa đổi, bổ sung 2018) (LBVQLNTD). Trong đó, nội dung giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh đã ghi nhận thêm một số quy định mới.

Cho phép thực hiện giải quyết tranh chấp bằng hình thức trực tuyến

black flat screen tv turned on near green plant
Photo by Sigmund / Unsplash

Khoản 3 Điều 53 dự thảo quy định “giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh có thể được thực hiện theo hình thức trực tiếp, trực tuyến hoặc các hình thức khác theo quy định của pháp luật có liên quan.” Theo đó, nội dung này đã mở đường cho việc giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh thông qua các phương thức phi truyền thống mà dễ thấy nhất là phương thức trực tuyến.

Cụ thể, ở giai đoạn thương lượng, ngoài phương thức gửi yêu cầu thương lượng trực tiếp đến trụ sở chính hoặc địa điểm kinh doanh của tổ chức, cá nhân kinh doanh, người tiêu dùng còn có thể gửi yêu cầu thương lượng đến “trang thông tin điện tử, các phương thức liên lạc khác do tổ chức, cá nhân kinh doanh đã công bố công khai hoặc đang áp dụng”. Trên cơ sở quyền “lựa chọn hình thức thương lượng”,[1] người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh được quyền thực hiện việc thương lượng trực tuyến mà không cần phải tổ chức một phiên họp trực tiếp. Cũng theo tinh thần này, việc tổ chức, cá nhân kinh doanh từ chối yêu cầu thương lượng hoặc kết quả thương lượng có thể được ghi nhận dưới các hình thức có giá trị tương đương với văn bản (như thư điện tử, fax, v.v)

Ngoài ra, các cơ chế giải quyết tranh chấp khác, bao gồm: hòa giải, tố tụng tại trọng tài, và tố tụng tại tòa án cũng đều có thể được thực hiện thông qua phương thức trực tuyến. Hiện nay, việc giải quyết tranh chấp trực tuyến (ODR) đang ngày càng trở nên thông dụng và được ghi nhận trong các quy định chính thức của pháp luật cũng như quy tắc của các cơ quan tiến hành tố tụng. Theo Quy tắc Hoà giải Trực tuyến của Trung tâm Hoà giải Việt Nam thuộc Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, toàn bộ quá trình hòa giải có thể được tiến hành trên nền tảng trực tuyến medup.vmc.org.vn. Ngày 15/12/2021, Tòa án Nhân dân Tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, và Bộ Tư pháp cũng đã ban hành Thông tư liên tịch số 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC- BCA-BQP-BTP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành tổ chức phiên tòa trực tuyến. Theo đó, trừ các trường hợp (i) Vụ án hình sự, dân sự, hành chính liên quan đến bí mật nhà nước; (ii) Vụ án hình sự về một trong các tội xâm phạm an ninh quốc gia; hoặc (iii) Vụ án hình sự về một trong các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh, “Tòa án nhân dân được tổ chức phiên tòa trực tuyến để xét xử sơ thẩm, xét xử phúc thẩm vụ án hình sự, dân sự, hành chính có tình tiết, tính chất đơn giản; tài liệu, chứng cứ trong hồ sơ vụ án rõ ràng”. Người tiến hành tố tụng, “các chủ thể tham gia tố tụng”[2] tham gia xét xử tại các “điểm cầu” theo sự sắp xếp và hướng dẫn của Tòa án.

Bảo mật trong quá trình giải quyết tranh chấp

person typing on silver MacBook
Photo by Burst / Unsplash

Bảo mật trong quá trình giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh, theo tinh thần của dự thảo, gồm hai vấn đề: (i) Bảo mật quá trình giải quyết tranh chấp, và (ii) Bảo mật thông tin được cung cấp trong quá trình tranh chấp.

Về vấn đề (i), bảo mật quá trình tranh chấp là một nội dung không mới trong giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh, mà cụ thể là trong hòa giải. Khoản 2 Điều 34 LBVQLNTD đã ghi nhận: “Tổ chức, cá nhân tiến hành hòa giải, các bên tham gia hòa giải phải bảo đảm bí mật thông tin liên quan đến việc hòa giải, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác”. Nội dung này đã được kế thừa bởi khoản 2 Điều 61 của dự thảo. Bên cạnh đó, trong nỗ lực luật hóa cụ thể một số quyền và trách nhiệm của các bên trong quá trình thương lượng (như sẽ được đề cập tại mục 3.1 dưới đây), điểm d khoản 1 Điều 58 của dự thảo đã cho phép người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh trong quá trình thương lượng có quyền “yêu cầu giữ bí mật về việc thương lượng”. Như vậy, bằng việc bổ sung nội dung này, dự thảo đã đặt ra yêu cầu bảo mật về quá trình tố tụng đối với cả ba phương thức thương lượng, hòa giải, và trọng tài.[3] Do tính chất đặc thù, yêu cầu bảo mật về quá trình tố tụng tại Tòa án chỉ được đặt ra trong một số điều kiện nhất định.[4]

Về vấn đề (ii), cùng với việc bổ sung quy định về quyền được yêu cầu cung cấp thông tin trong quá trình giải quyết tranh chấp của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng,[5] khoản 2 Điều 54 của dự thảo còn yêu cầu “tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng có trách nhiệm bảo mật thông tin, tài liệu được cung cấp theo quy định của pháp luật”.

Một số điểm mới nổi bật khác

Có thể thấy, chuyển đổi số và bảo mật không chỉ là hai mối quan tâm lớn của những người hành nghề luật (nhất là các luật sư), mà còn là của các nhà lập pháp. Bên cạnh những bước tiến đặc thù trong hai chế định này, dự thảo cũng ghi nhận thêm một số nội dung mới, nhằm hỗ trợ hiệu quả hơn cho quá trình giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh.

3.1. Bổ sung quyền và trách nhiệm của các bên trong quá trình thương lượng

Trước đây, Mục 2 Chương 4 của LBVQLNTD quy định tương đối sơ sài gồm vỏn vẹn hai điều ngắn gọn về thương lượng và kết quả thương lượng. Ngoài ra, Luật không dành bất kỳ điều khoản nào quy định quyền và trách nhiệm của các bên trong quá trình giải quyết tranh chấp. Bù đắp cho lỗ hổng này, Điều 58 của dự thảo đã liệt kê một số quyền và trách nhiệm của các bên trong quá trình thương lượng.

Ngoài các quyền được “lựa chọn thời gian, hình thức thương lượng” “yêu cầu giữ bí mật về việc thương lượng” như đã đề cập ở trên, dự thảo còn cho phép người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh trong quá trình thương lượng được phép“đồng ý hoặc từ chối tham gia thương lượng”, “yêu cầu tạm dừng hoặc chấm dứt thương lượng”, và “tự do bày tỏ ý chí về nội dung thương lượng”. Ngoài ra, các bên còn có trách nhiệm[6]“tiến hành thương lượng phù hợp với văn hóa kinh doanh”“thực hiện kết quả thương lượng thành trên nguyên tắc thiện chí”.

3.2. Sửa đổi, bổ sung các trường hợp được áp dụng giải quyết vụ án dân sự tại Tòa án theo thủ tục rút gọn

Khoản 2 Điều 69 của dự thảo đã bổ sung thêm một trường hợp cho phép vụ án dân sự về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng được giải quyết theo thủ tục rút gọn: “Các đương sự đều có địa chỉ nơi cư trú, trụ sở rõ ràng; không có đương sự cư trú ở nước ngoài”. Bên cạnh đó, trường hợp được quy định tại điểm c khoản 2 Điều 41 LBVQLNTD đã được sửa đổi để đồng nhất với trường hợp mới được bổ sung: “Giá trị giao dịch dưới 100 triệu đồng, không có tài sản tranh chấp ở nước ngoài”.

3.3. Bổ sung nguyên tắc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng dễ bị tổn thương

“Người tiêu dùng dễ bị tổn thương”[7] là một đối tượng hoàn toàn mới được đề xuất bảo hộ theo cơ chế đặc thù bởi dự thảo. Trong giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng dễ bị tổn thương và tổ chức, cá nhân kinh doanh, Điều 8 của dự thảo yêu cầu: (i) “áp dụng cơ chế giải quyết tranh chấp phù hợp với yếu tố dễ bị tổn thương của người tiêu dùng”, (ii) “không được từ chối giải quyết đề nghị giải quyết tranh chấp của người tiêu dùng dễ bị tổn thương với lý do khác biệt về tiếng nói, chữ viết, phong tục, tập quán”, và (iii) “xây dựng, ban hành trình tự, thủ tục, phương thức hoặc các biện pháp khác phù hợp với từng yếu tố dễ bị tổn thương của người tiêu dùng nhằm bảo đảm quyền yêu cầu giải quyết tranh chấp hoặc các quyền ưu tiên của người tiêu dùng dễ bị tổn thương”.

Có thể thấy, mặc dù còn mang tính khái quát cao, dẫn đến nguy cơ áp dụng thiếu đồng bộ và chính xác, còn cần chờ thêm sự hướng dẫn cụ thể của các cơ quan có thẩm quyền, tuy nhiên, các quy định này vẫn là một điểm đáng lưu tâm. Đặc biệt, luật sư nội bộ trong các tổ chức kinh doanh cần chuẩn bị các điều kiện cần thiết để xây dựng, ban hành trình tự, thủ tục, phương thức hoặc các biện pháp khác theo yêu cầu (iii) nêu trên.

Kết luận

Nhìn chung, dự thảo đã ghi nhận rất nhiều điểm mới trong tư duy và kỹ thuật lập pháp, trên tinh thần bảo vệ tốt hơn quyền lợi cho cả người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh, đưa các bên vào những vị thế pháp l‎ý công bằng, tự do, và lành mạnh. Trong phạm vi nội dung giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh, trên đây chỉ là những điểm mới nổi bật mà tác giả cho rằng giới luật sư nói chung và luật sư nội bộ nói riêng cần lưu tâm để chuẩn bị cho công tác tham gia giải quyết tranh chấp, và thiết lập cơ chế giải quyết tranh chấp cho tổ chức. Tính đến thời điểm hiện tại, vẫn chưa có một thông tin cụ thể và chắn chắn về việc liệu dự thảo có được thông qua trong kỳ‎ họp sắp tới của Quốc hội hay không, tuy nhiên, việc nắm bắt kịp thời những điểm mới của dự thảo vẫn là một sự lưu tâm cần thiết.


[1] Điểm b khoản 1 Điều 58 Dự thảo

[2] Khoản 3 Điều 2 Thông tư liên tịch số 05/2021/TTLT-TANDTC-VKSNDTC- BCA-BQP-BTP: “Các chủ thể tham gia tố tụng là bị cáo; người bào chữa; bị hại; người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại; đương sự; người tham gia tố tụng khác; cán bộ, chiến sỹ thuộc cơ sở giam giữ; cảnh sát hỗ trợ tư pháp.”

[3] Khoản 4 Điều 4 Luật Trọng tài thương mại 2010 quy định: “Giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài được tiến hành không công khai, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác.”

[4] Khoản 2 Điều 25 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 quy định: “Tòa án xét xử công khai. Trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, giữ gìn thuần phong mỹ tục của dân tộc, bảo vệ người chưa thành niên hoặc giữ bí mật nghề nghiệp, bí mật kinh doanh, bí mật cá nhân, bí mật gia đình của đương sự theo yêu cầu chính đáng của họ thì Tòa án có thể xét xử kín.”

[5] Khoản 1 Điều 54 dự thảo quy định: “Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác và kịp thời thông tin, tài liệu theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trong quá trình giải quyết tranh chấp giữa người tiêu dùng và tổ chức, cá nhân kinh doanh, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.”

[6] Dự thảo ban đầu trình Quốc hội sử dụng thuật ngữ “nghĩa vụ” cho nội dung này, tuy nhiên sau khi tiếp thu ý kiến Đại biểu Quốc hội và ý kiến thẩm tra, thuật ngữ “trách nhiệm” đã được sử dụng thay thế.

[7] Khoản 1 Điều 8 dự thảo quy định: “Người tiêu dùng dễ bị tổn thương theo quy định của Luật này bao gồm: (a) Người cao tuổi theo quy định của pháp luật người cao tuổi; (b) Người khuyết tật theo quy định của pháp luật người khuyết tật; (c) Trẻ em theo quy định của pháp luật trẻ em; (d) Người dân tộc thiểu số; người sống ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật về công tác dân tộc; (đ) Phụ nữ đang mang thai hoặc nuôi con dưới 12 tháng tuổi; (e) Người bị bệnh hiểm nghèo tại danh mục bệnh hiểm nghèo theo quy định của pháp luật về lao động; (g) Thành viên hộ nghèo theo quy định của pháp luật; (h) Người không thuộc các nhóm quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e và g khoản này nhưng tại thời điểm mua hoặc sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có khả năng phải chịu nhiều tác động bất lợi về tiếp cận thông tin, sức khỏe, tài sản, giải quyết tranh chấp.”

Great! You’ve successfully signed up.

Welcome back! You've successfully signed in.

You've successfully subscribed to Tập San Luật sư Nội bộ.

Success! Check your email for magic link to sign-in.

Success! Your billing info has been updated.

Your billing was not updated.