Tổng quan về Chỉ số HHI và Phân tích từ Báo cáo Thường niên của Cục Quản lý Cạnh tranh (2021-2023)
1. Hiểu về HHI và Vai trò của nó trong Luật Cạnh tranh tại Việt Nam Chỉ số Herfindahl-Hirschman (HHI)
Đăng ký nhãn hiệu và xác lập quyền đối với nhãn hiệu luôn là một vấn đề đau đầu với các luật sư nội bộ. Để bảo vệ doanh nghiệp trước nguy cơ mất quyền đối với nhãn hiệu một cách hợp pháp thì một trong những tiêu chí tiên quyết phải là đăng ký nhãn hiệu kịp thời và đúng quy trình.
Theo quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam, nhãn hiệu được xác lập theo nguyên tắc “nộp đơn đầu tiên”. Để đăng ký nhãn hiệu, tại thời điểm nộp đơn, người nộp đơn không bắt buộc phải nộp bất kỳ bằng chứng nào về việc đã, đang hoặc sẽ sử dụng nhãn hiệu đó hay bằng chứng về việc người nộp đơn có hoạt động sản xuất các sản phẩm hay kinh doanh các dịch vụ được nêu trong đơn nhãn hiệu. Như vậy, Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu sẽ được cấp cho người nộp đơn nhãn hiệu có ngày nộp đơn sớm hơn bất kể chủ sở hữu nhãn hiệu có thực sự sản xuất các sản phẩm hay kinh doanh dịch vụ mang nhãn hiệu đó trên thực tế hay không.
Nguyên tắc nộp đơn đầu tiên nói trên cùng với việc đánh giá nhãn hiệu không phụ thuộc vào việc nhãn hiệu yêu cầu đăng ký có được sử dụng cho các sản phẩm, dịch vụ đã dẫn đến một thực tế là có rất nhiều nhãn hiệu được đăng ký với dụng ý xấu. Theo đó, chỉ cần có đơn đăng ký nhãn hiệu, và không thuộc các trường hợp loại trừ theo quy định hay không bị trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với bất kỳ nhãn hiệu nào đã nộp trước đó thì sẽ nhãn hiệu sẽ được cấp văn bằng bảo hộ.
Nguyên tắc này đã bị nhiều tổ chức, cá nhân lạm dụng để đầu cơ đăng ký nhãn hiệu hoặc chiếm đoạt nhãn hiệu của người khác. Hầu hết các nhãn hiệu bị đầu cơ hay chiếm đoạt thường có danh tiếng và chỗ đứng nhất định trên thị trường nhưng chưa đăng ký xác lập quyền tại Việt Nam, bao gồm cả nhãn hiệu của các công ty Việt Nam cũng như công ty nước ngoài. Nắm bắt thực trạng của việc chưa hoặc không đăng ký nhãn hiệu của các công ty này cũng như lợi dụng các quy định của pháp luật Việt Nam về đăng ký nhãn hiệu nêu trên, các tổ chức, cá nhân tại Việt Nam đã tiến hành đăng ký nhãn hiệu đó dưới tên của chính mình. Việc đăng ký trước đối với nhãn hiệu đó sẽ ngăn cản khả năng đăng ký nhãn hiệu của chủ sở hữu thực sự cũng như quyền sử dụng nhãn hiệu của họ tại Việt Nam. Thực tế này đã dẫn đến tình trạng sau khi đăng ký nhãn hiệu, những người này sẽ tiếp cận chủ sở hữu nhãn hiệu thực sự để cho chủ sở hữu biết rằng các nhãn hiệu của họ đã bị đăng ký bởi người khác tại Việt Nam, đồng thời yêu cầu thanh toán một khoản tiền nhất định mới chuyển giao nhãn hiệu.
Trên thực tế, chủ sở hữu thực sự có thể có các bằng chứng về việc họ đã sở hữu và sử dụng nhãn hiệu đó tại nước ngoài, thậm chí có các bằng chứng về dụng ý xấu của người nộp đơn/chủ sở hữu nhãn hiệu đã nộp tại Việt Nam nhưng lại không có cơ sở pháp lý để yêu cầu Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam xử lí. Mặt khác, Cục Sở hữu trí tuệ cũng không có căn cứ pháp lý để từ chối đơn đăng ký nhãn hiệu hay hủy bỏ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đã cấp của những người đăng ký với dụng ý xấu. Vì rõ ràng rằng, theo quy định hiện hành, đơn nhãn hiệu đó đã được nộp hợp lệ với ngày nộp đơn sớm hơn và không có bất kỳ nhãn hiệu nào trùng hay tương tự đến mức gây nhầm lẫn cho sản phẩm, dịch vụ mà họ đã đăng ký.
Xuất phát từ thực trạng nêu trên và nhằm khắc phục lỗ hổng pháp lý từ nguyên tắc nộp đơn đầu tiên, Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi năm 2022 đã bổ sung quy định về “Dụng ý xấu” (bad faith) để từ chối đơn đăng ký nhãn hiệu tại Điều 117 và hủy bỏ hiệu lực của Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đã được cấp tại Điều 96 nếu có căn cứ chứng minh rằng người nộp đơn/chủ sở hữu Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu nộp đơn với dụng ý xấu.
Tuy nhiên, Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi chỉ quy định các trường hợp áp dụng về “dụng ý xấu” mà không đưa định nghĩa hay nội hàm của khái niệm này. Theo đó, có thể hiểu rằng, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi sắp được ban hành (Nghị định, Thông tư) sẽ có các quy định hướng dẫn về nội dung này.
Trên thực tế, pháp luật nhiều nước trên thế giới cũng có quy định về “dụng ý xấu” trong đăng ký xác lập quyền đối với nhãn hiệu. Tham chiếu các quy định một số nước trên thế giới, các tiêu chí xác định việc đăng ký nhãn hiệu với dụng ý xấu có thể xác định cơ bản như sau: có căn cứ để cho rằng nhãn hiệu đăng ký là sự sao chép nhãn hiệu giống hoặc tương tự nhãn hiệu nổi tiếng của chủ thể khác; hoặc là bản dịch của nhãn hiệu phổ biến của nước ngoài sang ngôn ngữ nước dự định đăng ký hoặc ngôn ngữ nước ngoài thông dụng để đăng ký; và việc đăng ký này là nhằm lợi dụng danh tiếng, uy tín của nhãn hiệu đó để thu lợi; hoặc chủ yếu nhằm mục tiêu bán lại, cấp phép hoặc chuyển giao quyền đăng ký cho chủ sở hữu nhãn hiệu đó; hoặc nhằm mục tiêu cản trở, làm gián đoạn hoạt động kinh doanh, ngăn chặn khả năng gia nhập thị trường của chủ sở hữu để hạn chế cạnh tranh.
Vì vậy, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi của Việt Nam quy định về nội dung “dụng ý xấu” tại Điều 96 và Điều 117 cũng sẽ đi theo định hướng này.
Có thể thấy rằng nguyên nhân chính của hiện tượng nộp đơn đăng ký nhãn hiệu với dụng ý xấu là sự chậm trễ trong việc nộp đơn đăng ký bảo hộ nhãn hiệu của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước. Phần nhiều các doanh nghiệp chưa ý thức được tầm quan trọng của việc đăng ký nhãn hiệu. Theo đó, nhiều doanh nghiệp mải mê với việc đầu tư cho chất lượng sản phẩm, dịch vụ, quảng bá nhãn hiệu trên thị trường mà quên mất việc đăng ký nhãn hiệu đó tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Vì vậy, với tư cách là luật sư nội bộ của doanh nghiệp, bạn cần lưu ý đến các vấn đề nêu trên. Theo đó, cần tiến hành rà soát các nhãn hiệu mà doanh nghiệp đã, đang và sẽ sử dụng cho các sản phẩm, dịch vụ mà doanh nghiệp sản xuất hoặc kinh doanh. Đồng thời nên tiến hành các thủ tục để nộp đơn các hãn hiệu này càng sớm càng tốt để đảm bảo được quyền ưu tiên về ngày nộp đơn sớm nhất. Khi phát hiện nhãn hiệu của mình đã được đăng ký bởi người khác, cần tiến hành thu thập các bằng chứng về để chứng minh rằng họ đã nộp đơn với “dụng ý xấu” và yêu cầu Cục Sở hữu trí tuệ từ chối đơn đăng ký nhãn hiệu hoặc hủy bỏ hiệu lực Giấy chứng nhận đã cấp.
Ngoài ra, một trong những nguyên tắc của quyền sở hữu trí tuệ đó là quyền sở hữu trí tuệ được bảo hộ theo lãnh thổ. Theo đó, nếu doanh nghiệp có dự định mở rộng kinh doanh hay xuất khẩu sản phẩm sang các quốc gia khác, luật sư nội bộ cần tư vấn cho doanh nghiệp việc đăng ký nhãn hiệu của doanh nghiệp tại quốc gia mà doanh nghiệp có dự định đầu tư sản xuất kinh doanh. Câu chuyện về sản phẩm gạo ST25 hay cà phê Trung Nguyên bị chiếm đoạt nhãn hiệu ở nước ngoài là một bài học điển hình trong việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu không chỉ ở thị trường trong nước mà cả ở nước ngoài.
Một trong những cách thức mà các luật sư nội bộ nên áp dụng có đó nên thường xuyên rà soát thông tin, tra cứu các đơn đăng ký nhãn hiệu mà Cục Sở hữu trí tuệ công bố hàng tháng trên website của Cục Sở hữu trí tuệ. Việc làm này nhằm giúp doanh nghiệp phát hiện và có biện pháp phù hợp và kịp thời để ngăn chặn người khác đăng ký nhãn hiệu của mình.