Xây dựng danh mục Sở hữu Trí tuệ (IP Portfolio) cho doanh nghiệp

Xây dựng danh mục Sở hữu Trí tuệ (IP Portfolio) cho doanh nghiệp
Photo by Glenn Carstens-Peters / Unsplash

Tăng cường giá trị doanh nghiệp qua quản lý tài sản sở hữu trí tuệ

Đối với sự phát triển của một doanh nghiệp, việc quản lý, bảo vệ, khai thác và gia tăng giá trị của tài sản là một yếu tố sống còn. Theo cách hiểu truyền thống, tài sản của doanh nghiệp thường được xác định là các tài sản hữu hình như nhà xưởng, thiết bị, máy móc, đất đai. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của kinh tế xã hội và khoa học kỹ thuật, các tài sản vô hình, đặc biệt là tài sản sở hữu trí tuệ, ngày càng chiếm một tỷ trọng lớn trong khối lượng tài sản mà doanh nghiệp nắm giữ. Tài sản sở hữu trí tuệ được xem là một lợi thế trong kinh doanh và tạo nên giá trị riêng của doanh nghiệp trên thị trường. Thậm chí, đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghệ hay truyền thông, tài sản sở hữu trí tuệ là một yếu tố quan trọng trong chiến lược cạnh tranh, có thể quyết định sự thành công hay thất bại của doanh nghiệp đó.

Xác định và hệ thống hóa tài sản sở hữu trí tuệ: Bước tiến quan trọng cho doanh nghiệp

Các tài sản sở hữu trí tuệ được sử dụng trong hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp có thể là sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp hay bí mật kinh doanh, quyền tác giả hoặc nhãn hiệu, tên thương mại…. Việc thống kê và hệ thống lại các tài sản sở hữu trí tuệ hiện có thành môt danh mục tài sản sở hữu trí tuệ là điều thực sự cần thiết đối với sự phát triển lớn mạnh và bền vững của doanh nghiệp.

Xây dựng danh mục tài sản sở hữu trí tuệ: Nhìn nhận tổng thể và chiến lược thương mại hóa

Việc xây dựng Danh mục tài sản sở hữu trí tuệ sẽ giúp doanh nghiệp có cái nhìn tổng thể về toàn bộ tài sản sở hữu trí tuệ mà mình đang có. Thông qua Danh mục tài sản sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp sẽ xác định được cách thức quản lý, bảo vệ và thương mại hóa từng loại tài sản sở hữu trí tuệ của mình để thu được lợi nhuận tối đa từ các tài sản này. Để đảm bảo hiệu quả tối ưu, các loại tài sản sở hữu trí tuệ khác nhau yêu cầu các chiến lược thương mại hóa khác nhau. Chính vì vậy, doanh nghiệp cần phải nắm bắt và quản lý một cách chặt chẽ các đối tượng sở hữu trí tuệ của mình, từ đó đưa ra các phương án thương mại hóa tương ứng. Trên cơ sở đó, doanh nghiệp sẽ xây dựng được cho mình chiến lược dài hạn để sử dụng và phát triển các tài sản sở hữu trí tuệ trong Danh mục đã xác định.

Danh mục tài sản sở hữu trí tuệ (“IP Portfolio”) là một Danh mục tổng hợp tất cả các quyền sở hữu trí tuệ (“SHTT”) mà doanh nghiệp hiện có, và sẽ có trong tương lai. Việc xây dựng IP Portfolio sẽ là một cách thức để doanh nghiệp rà soát, tổng hợp và hệ thống lại tất cả tài sản SHTT, từ đó đưa ra cách xây dựng, quản lý, bảo vệ, khai thác và thương mại hóa các tài sản SHTT đó.

Thẩm tra pháp lý: Bước đầu tiên trong việc xây dựng IP portfolio

person holding black iphone 4
Photo by Maxim Ilyahov / Unsplash

Để xây dựng IP Portfolio có hiệu quả, thẩm tra pháp lý tài sản SHTT là một bước khởi đầu không thể thiếu. Việc thẩm tra pháp lý tài sản SHTT được thực hiện bằng cách rà soát toàn bộ tài sản là đối tượng quyền SHTT của doanh nghiệp trên các báo cáo tài chính, danh mục tài sản, các hợp đồng v... v và xác định tình trạng pháp lý của các đối tượng đó. Kết quả của quá trình thẩm tra pháp lý tài sản SHTT sẽ xác định các loại tài sản SHTT, số lượng và tình trạng pháp lý của các tài sản đó. Cụ thể, việc thẩm tra sẽ xác định được tài sản SHTT đó hiện thuộc quyền sở hữu của ai, đã được đăng ký, chưa được đăng ký hoặc cần phải đăng ký, tài sản SHTT đó có còn hiệu lực hay không (có được gia hạn hay duy trì theo quy định hay không), tài sản SHTT có đang là đối tượng của một hợp đồng hay một giao dịch hoặc đang bị tranh chấp hay không…

Giải pháp và khuyến nghị pháp lý từ IP portfolio

Trên cơ sở kết quả thẩm tra pháp lý tài sản SHTT, bản IP Portfolio đưa ra các giải pháp pháp lý liên quan đến các tài sản SHTT trong danh mục. Cụ thể, đối với các tài sản SHTT mà pháp luật yêu cầu phải đăng ký như nhãn hiệu, sáng chế, giải pháp hữu ích, kiểu dáng công nghiệp, doanh nghiệp cần nhanh chóng nộp đơn đăng ký ở trong nước cũng như nước ngoài càng sớm càng tốt để đảm bảo nguyên tắc nộp đơn đầu tiên. Điều này đặc biệt quan trọng đối với sáng chế hay kiểu dáng công nghiệp, khi mà “tính mới” là yếu tố tiên quyết để doanh nghiệp có thể được cấp văn bằng bảo hộ. Còn đối với các tài sản SHTT không phải đăng ký như quyền tác giả, tên thương mại, bí mật kinh doanh, doanh nghiệp cần tiến hành bảo vệ trong thực tiễn sử dụng bằng các giải pháp công nghệ hay các hợp đồng pháp lý với các bên liên quan như người lao động hoặc đối tác của doanh nghiệp.

Ngoài ra, thông qua kết quả thẩm tra pháp lý tài sản SHTT, bản IP Portfolio sẽ đưa ra các khuyến nghị về việc duy trì, gia hạn hiệu lực văn bằng bảo hộ của các đối tượng SHTT, đặc biệt khuyến nghị về việc sử dụng nhãn hiệu để tránh nguy cơ bị chấm dứt hiệu lực do không sử dụng trong vòng 5 năm liên tục.

Đối mặt và quản lý rủi ro tranh chấp qua IP portfolio

Việc xây dựng IP Portfolio cũng xác định các tranh chấp và vi phạm quyền SHTT trên thị trường hiện tại và trong tương lai. Có thể các tài sản SHTT doanh nghiệp đang sử dụng thuộc quyền sở hữu của người khác hoặc có khả năng xâm phạm quyền SHTT của người khác. Khi đó, doanh nghiệp có thể xem xét việc mua hoặc nhận được quyền sở hữu, quyền sử dụng các tài sản SHTT đó thông qua việc ký kết hợp đồng chuyển nhượng hoặc hợp đồng chuyển quyền sử dụng để tránh những tranh chấp hoặc kiện tụng tốn kém sau này.

Ngoài ra, IP Portfolio cũng có thể xác định tiềm năng thương mại hóa của các tài sản SHTT mà doanh nghiệp đang có. IP Portfolio cũng sẽ đưa các khuyến nghị đối với doanh nghiệp về việc đưa các tài sản này ra thị trường để chúng được khai thác nhằm thu lại lợi nhuận tối đa cho doanh nghiệp. Theo đó, các doanh nghiệp có thể ký kết các hợp đồng chuyển nhượng (assignment), chuyển quyền sử dụng (licensing), chuyển giao công nghệ (technology transfer), góp vốn, nhượng quyền tài sản SHTT v... v.

Tích hợp chiến lược phát triển và pháp lý qua IP portfolio

assorted notepads
Photo by Patrick Perkins / Unsplash

Việc xây dựng IP Portfolio cần được thực hiện song song với việc xây dựng các chiến lược, định hướng phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Vậy nên, việc xây dựng IP Portfolio đòi hỏi không chỉ sự hiểu biết về mặt pháp lý đối với các quyền SHTT mà còn là sự hiểu biết một cách tổng quan các quy định pháp luật, thực tiễn thi hành các giao dịch thương mại như góp vốn, định giá, chuyển giao công nghệ, nhượng quyền thương mại, các quan hệ lao động giữa người lao động và người sử dụng lao động. Do đó, để có thể xây dựng IP Portfolio và khai thác, thương mại hóa các tài sản SHTT của mình một cách có hiệu quả, doanh nghiệp nên tìm kiếm sự tư vấn và hỗ trợ pháp lý từ các công ty luật chuyên nghiệp, dày dặn kinh nghiệm về pháp luật doanh nghiệp và pháp luật SHTT.

Great! You’ve successfully signed up.

Welcome back! You've successfully signed in.

You've successfully subscribed to Tập San Luật sư Nội bộ.

Success! Check your email for magic link to sign-in.

Success! Your billing info has been updated.

Your billing was not updated.